Search Suggest

BÀI VĂN VỀ NHỮNG RANH GIỚI


ĐỀ BÀI:

Nhà văn Nguyễn Khải, trong tác phẩm Mùa lạc đã cho rằng: “Ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”.

 Còn nhà văn Ma Văn Kháng, trong Mùa lá rụng trong vườn thì bày tỏ: “Cuộc sống bao giờ cũng có ranh giới. Ai không phân biệt nổi ranh giới thì kẻ đó còn ở trong trạng thái bản năng”.

 Anh/chị hiểu “ranh giới” trong những nhận định trên như thế nào? Hãy trình bày suy nghĩ của anh/chị về những ranh giới trong cuộc sống.




Bài làm

Vận mệnh đời người xoay vòng với những chọn lựa và quyết định. Mỗi một người khi đứng trước bất kì sự việc gì đều bị đặt vào trong những những hoàn cảnh, những chuẩn mực của xã hội để đánh giá, xem xét. Con người có rất nhiều lúc muốn được sống, được chọn thật “bản năng” như chính con người mình, muốn vượt qua khỏi mọi raò cản để vươn đến một chân trời mới. Nhưng cũng chính họ lại lo sợ, lại hoang mang, lo lắng vì một nỗi ám ảnh cứ mãi dai dẳng đeo đuổi “Lỡ như mình quá đà vượt ra khỏi giới hạn thì sao?”. Nói về vấn đề này, về những giới hạn và điểm dừng trong cuộc đời, nhà văn Nguyễn Khải có viết “Ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh bước qua những ranh giới ấy”. Nhưng ngược lại với ông, nhà văn Ma Văn Kháng lại khẳng định “Cuộc sống bao giờ cũng có ranh giới. Ai không phân biệt nỗi ranh giới thì kẻ đó còn trong trạng thái bản năng”.

Đứng trước cùng một vấn đề là những ranh giới trong cuộc sống, cả hai nhà văn nổi tiếng đều đã trực tiếp thể hiện rõ ràng quan điểm của mình và trong mỗi lời bày tỏ ấy lại tiềm tàng một ý nghĩa sâu sắc riêng. Những ranh giới trong cuộc sống cần được hiểu theo nghĩa rộng nhất đó chính là những giới hạn, hạn định mà luật pháp, xã hội đặt ra cho con người và cuộc sống của họ. Những ranh giới đó đồng thời cũng là chuẩn mực sống bao trùm lên xã hội mà phần lớn mọi người đều không dám thoát ra khỏi.Và đó cũng chính là đường biên giới của đường chân trời bao phủ lên bầu trời mà mỗi người đang sống, như một đường biên chặn lại mỗi khi con người muốn bước sang một bầu trời mới, một chuẩn mực giới hạn hạn mới. Trong “Mùa lạc” nhà văn Nguyễn Khải nói “không có đường cùng, chỉ có những ranh giới”. Thông qua đó, ông khẳng định rằng cuộc đời này không có cái gọi là cùng tận, không có ngõ cụt hay bất kì vách ngăn nào ở đích điểm. Con người sẽ không thể nào rơi vào đường cùng, không thể nào vô vọng trong việc tìm kiếm lối thoát hay bắt đầu một con đường khác. Nhưng với ông, cuộc đời vẫn luôn có ranh giới, đó là những đường biên thấy rõ dáng hình và cũng có khi lại tồn tại đầy mơ hồ. Những ranh giới là điều con người có thể vượt qua, chỉ cần có đủ sức mạnh về thể lực và cả tinh thần thì sẽ phá vỡ được những giới hạn ấy. Đối với nhà văn Nguyễn Khải, ông tin vào sức mạnh con người, tin rằng đó sẽ là động lực để cho con người vượt qua những xiềng xích mang tên “ranh giới” và được lựa chọn theo chính suy nghĩ của  bản thân. Tuy nhiên, đối với nhà văn Ma Văn Kháng, cuộc đời luôn phải tồn tại những ranh giới và xã hội không thể thiếu đi những thước, những chuẩn mực mà con người không được quyền phá bỏ. Ông quan niệm rằng con người không thể đặt mình ra khỏi khuôn lề xã hội, không thể đả kích hay chống đối hoặc làm vỡ đi những nền nếp đó. Bởi lẽ nếu con người cứ liên tục làm theo ý muốn, liên tục vượt ra khỏi “ranh giới” cuộc đời thì họ sẽ mãi trong trạng thái bản năng.

Cả hai nhận định tuy cùng bàn về “những ranh giới trong cuộc sống: nhưng lại có phần trái ngược nhau. Tuy vậy, hai quan điểm đó sẽ không hoàn chỉnh nếu tồn tại độc lập bởi lẽ khi đặt cạnh nhau, cả hai đều bổ sung và mặt thiếu sót của ý kiến còn lại. Dựa trên lời bàn của Nguyễn Khải ta thấy được đó là lời ủng hộ, cổ vũ cho những phát kiến mới, cho những sáng tạo và đột phá chưa từng có tiền lệ. Ông khiến cho con người có niềm tin vào sức mạnh chính mình để họ có thể vượt qua những ranh giới không phù hợp, những định kiến lỗi thời đầy tính chủ quan cũng như những vùng an toàn chỉ bao bọc chứ không rèn giũa và giúp con người phát triển.. Và theo đó, với Ma Văn Kháng, ông nhắc nhở mỗi người hãy luôn nhớ lấy giới hạn cho chính mình, hãy luôn giữa chừng mực để không gây ra những điều đáng tiếc và sai lầm. Chính vì vậy ta thấy được điểm giao giữa hai nhận định trên, thấy được sự bổ trợ ý nghĩa cho nhau của hai câu nói đó và thông qua đây, ta hiểu được con người phải đối diện và sống sao cho thích hợp với những ranh giới trong cuộc sống.

Con người thực chất luôn khao khát bước qua được ranh giới của xã hội và cuộc đời. Đó là những chuẩn mực về trí tuệ và cả quan niệm. Và bất kì một người nào cũng mang trong mình một sức mạnh, một khả năng phi thường để thoát ra khỏi những lằn ranh hạn hẹp. Ai cũng có thể có hoài bão và ước mơ khác với những người đi trước và chính họ cũng mang trong mình khả năng vượt trội mà chỉ cần khai phá, chịu tìm tòi trui rèn thì sẽ phát huy hết sức mạnh đó. Con người thực chất nên như thế, nên biết ước mơ về những điều lớn lao, những điều chưa ai biết đến và cả bước đi trên những con đường chưa có người mở mang, khai phá. Con người cũng có quyền vượt ra khỏi những giới hạn, định mức của xã hội chỉ cần điều đó không sai trái, không gây hại gì cho con người. Vượt qua những hạn định, những chuẩn mực không thích hợp và quá an toàn cũng tức là tự cho bản thân cơ hội để phát triển, để được bay ra khỏi vùng trời nhỏ hẹp để vươn mình xa hơn cũng như tìm thấy bản thân trọn vẹn, rõ ràng hơn. Chúng ta hẳn từng bất ngờ và “sốc” trước sự “vượt rào” của Hồ Xuân Hương và các sáng tác của bà trong văn chương. Các sáng tác của bà từng bị đánh giá như một thứ “dâm thư” thông tục vì sự lột trần tuênh huênh mọi thứ, từ bản chất xã hội đến bộ mặt thật của những kẻ nguỵ quân tử giả nhân giả nghĩa.Thế nhưng, cũng chính văn chương của bà, thơ cả mà bà để lại cho bà đã thật sự phá bỏ được mọi giới hạn của sự cấm kỵ, của những quy củ thơ văn trung đại để nói lên những tâm tư tình cảm chân thật nhất của con người, những khát khao hạnh phúc rất bản năng, rất đời thường mà người xưa cho rằng phải giấu thật kĩ. Những người trước bà chưa từng một ai dám phá vỡ những quy chuẩn đó và bà xuất hiện như một hiện tượng nổi loạn tiên phong cho tất cả, thành công rực rỡ nhờ ngòi bút tài tình và trái tim mong manh tình người của mình, bà đã can đảm làm một điều chưa một ai dám thử, chưa ai dám vượt khuôn.

Tuy nhiên, ranh giới xã hội tồn tại cũng đồng thời như một lời nhắc nhở, như một tiếng răn đe để con người không sa lầy vào những sai lầm. Đó là pháp luật, là đạo lý và cả những chuẩn mực của nhân phẩm. Những điều đầy quy củ ấy tồn tại như một lẽ dĩ nhiên là điều đúng đắn, con người cần noi theo để không rơi vào vòng lao lý, để trở thành một người có nhân cách tốt, để là một con người trong sách với lý trí tình cảm của một người sống bằng phần người, bằng nhận thức về cuộc đời chứ không sống đầy bản năng, thú tính. Chúng ta có thể thấy được từ chàng thanh niên Lê Văn Luyện với những phút bốc đồng, nóng nảy đã phạm phải tội giết người. Cuộc đời hắn từ đó chấm dứt chỉ vì không biết được ranh giới, không biết giới hạn của sự tức giận và hành vi chống đối nên dừng lại tại đâu.

Phân biệt và xác định được rõ ràng những giới hạn trong cuộc sống không hề đơn giản bởi chỉ một phút lơ là, một phút không cẩn thận thôi, con người sẽ ngay lập tức vượt quá giới hạn. Có những lỗi lầm, những lần phạm sai mà con người sẽ không thế nào cứu vãn được tình hình, sẽ phải gắn liền cuộc đời mình với vệt đen đó không cách nào xoá nhoà được. Những lần vượt quá ranh giới chúng ta đều sẽ phải đánh đổi, dù ít hay nhiều, có thể là công việc, là một mối quan hệ hay thậm chí là cuộc sống bình yên vốn đang diễn ra của mình. Chính vì vậy, dù là ai, chúng ta đều phải thật lý trí khi nói năng, khi hành xử và làm việc. Chúng ta hãy cứ thử sức của mình, chúng ta hãy cứ thách thức năng lực bản thân bằng việc đặt ra cho mình những những thử thách vượt ra ngoài khuôn khổ trước đây. Chúng ta có thể thử cái mới, có thể sáng tạo những điều chưa từng có tiền lệ. Nhưng dù làm gì, hay quyết định ra sao, chúng ta đều phải chắc chắn rằng, hành động đó của mình là không sai, sẽ không ảnh hưởng xấu đến bất kì ai hay việc gì. Và nếu chúng ta không thể vượt qua được ranh giới cho phép một cách thuận lợi, hãy chắc chắn rằng, hậu quả mà nó để lại không quá lớn để bạn phải trả một cái giá quá đắt cho sự mạo hiểm của chính mình.

Ranh giới cuộc đời thật sự mong manh. Đâu là ranh giới con người được quyền phá vỡ, đâu là điều tuyệt nhiên không thể vượt qua đôi lúc rất khó phân định. Mỗi người chính vì mà luôn phải sáng suốt để nhận biết rõ ràng rằng, mình có nên dùng hết tiềm lực sức mạnh để vùng dậy bay ra một vùng trời khác, chống lại ranh giới xã hội hay không.

NGUYỄN ĐỨC LAM THẢO
(11CV – NIÊN KHÓA 2018 – 2019)

Đăng nhận xét