Search Suggest

ÔN THI TUYỂN SINH 10 MÔN VĂN SAO CHO HIỆU QUẢ?



Các độc giả của Blog Chuyên Văn thân mến,

 Vừa qua tôi có nhận được thắc mắc từ một vị phụ huynh về việc ta nên làm gì để trợ giúp con em mình ôn thi tốt nhất môn Văn trong kì thi tuyển sinh 10 sắp tới.

Đây là một kì thi cam go với tỉ lệ chọi cao (theo thống kê từ báo chi, năm 2018 vừa qua, gần 90.000 thí sinh tham gia kì thi, và khoảng 20.000 thí sinh sẽ không vào được trường công lập), tôi rất chia sẻ với nỗi lo lắng của các vị phụ huynh về việc học tập, thi cử của các em.

Thể theo nguyện vọng đó, nay Blog Chuyên Văn chia sẻ bài viết này, như một gợi ý nhỏ để giúp các em học sinh và quý vị phụ huynh chủ động lên được kế hoạch ôn tập hiệu quả đồng thời giải tỏa bớt phần nào những căng thẳng, áp lực (cho cả quý phụ huynh lẫn các em học sinh) trong kì thi sắp tới.

Bài viết gồm 2 phần:

1. Giới thiệu cấu trúc đề thi tuyển sinh môn Văn (TP. Hồ Chí Minh) và mục tiêu 7 điểm.

2. Phương pháp ôn tập hiệu quả với tác phẩm thơ và truyện.

THẦY TRẦN LÊ DUY




GIỚI THIỆU CẤU TRÚC ĐỀ THI

“Cấu trúc đề thi các môn trong kỳ thi lớp 10 tại TP.HCM năm 2019 cơ bản không thay đổi nhưng sẽ thay đổi cách đặt câu hỏi để kích thích tư duy sáng tạo của học sinh.”

Ngày 9 tháng 11 năm 2018, báo Zing News đã đưa tin như thế. Do vậy, mặc dù năm học ngày Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM không công bố đề thi minh họa, nhưng nhìn chung ta vẫn có thể căn cứ vào đề thi của năm ngoái để hình dung về cấu trúc đề thi của năm nay.

Trước hết, ta cùng dành chút thời gian để đọc lại đề thi năm ngoái.




Như vậy, có thể thấy, đề thi tuyển sinh môn Ngữ văn sẽ gồm 3 câu với thang điểm 3 – 3 – 4, cụ thể như sau:

Câu 1: Đọc hiểu văn bản (3 điểm)

Câu hỏi số một này chủ yếu kiểm tra về kĩ năng đọc, nhận biết, giải thích thông tin và vận dụng những thông tin từ văn bản để viết đoạn văn. Phần đọc hiểu gồm 4 câu, sắp xếp theo các cấp độ tư duy từ thấp đến cao:

Câu
Cấp độ tư duy
Yêu cầu
Số điểm
a
Nhận biết
Học sinh nhận diện một đơn vị kiến thức đã học (chủ yếu là về tiếng Việt) hoặc nhận diện thông tin trong văn bản.
0,5 điểm
b
Nhận biết
0,5 điểm
c
Thông hiểu
Học sinh giải thích được thông tin trong văn bản, trả lời được những câu hỏi ví dụ như:
“Giải thích ý nghĩa nhan đề văn bản”
“Tìm ra mối liên hệ giữa hai văn bản”
“Giải nghĩa từ ngữ trong văn bản”
“Vì sao tác giả cho rằng…”
1,0 điểm
d
Vận dụng
Viết đoạn văn ngắn về một vấn đề rút ra từ văn bản.
1,0 điểm

Câu 2: Nghị luận xã hội (3,0 điểm)

Học sinh được yêu cầu viết một bài văn nghị luận xã hội. Vấn đề nghị luận rất gần gũi với cuộc sống của các em. Năm vừa rồi, 2018 là vấn đề “Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái”, trước đó một năm 2018, là vấn đề “phải chăng chỉ có điều ngọt ngào mới làm nên yêu thương”? Các vấn đề đều hướng mở, để các em học sinh có thể thoải mái bày tỏ suy nghĩ, chính kiến của mình.

Câu 3: Nghị luận văn học (4,0 điểm)

Từ năm 2018, ở câu 3 này các em học sinh có hai sự lựa chọn, Đề 1 là kiểu đề truyền thống, đòi hỏi học bài, và Đề 2 là kiểu bài mở, không đòi hỏi thuộc bài nhiều nhưng yêu cầu sáng tạo.

Đề 1: Phân tích tác phẩm có liên hệ, mở rộng so sánh

Đề dạng này thường sẽ có hai yêu cầu, yêu cầu thứ nhất, cơ bản, chiếm phần điểm nhiều hơn đó là yêu cầu phân tích một đoạn văn bản (thơ, truyện) đã học.

Yêu cầu thứ hai, nâng cao dùng để phân loại học sinh giỏi, chiếm phần điểm ít hơn, đó là yêu cầu liên hệ, so sánh để làm rõ một yêu cầu nào đó (Ví dụ: Tình yêu nước; vẻ đẹp người lính v.v.).

Đề 2: Lí giải một nhận định về văn học thông qua việc trình bày trải nghiệm văn học của bản thân.

Đề này không yêu cầu phải thuộc bài quá nhiều, nhưng yêu cầu học sinh phải có kĩ năng tốt trong việc cắt nghĩa văn bản, vận dụng và lí giải các vấn đề về văn học, phải thực sự có đam mê và trải nghiệm văn chương. Dạng đề 2 này rất gần với đề thi học sinh giỏi thành phố, dẫu cho yêu cầu đề và đáp án có thoáng hơn so với kì thi học sinh giỏi.

GỢI Ý MỘT HƯỚNG ÔN TẬP

Trên cơ sở nắm vững cấu trúc đề thi, ta có thể tự thiết kế cho mình một kế hoạch ôn tập hiệu quả để có được kết quả tốt nhất. Quan sát đề thi qua các năm, ta có thể nhận ra một xu hướng ra đề: Đó là càng về sau, đề gia tăng về mức độ yêu cầu vận dụng, sáng tạo giải quyết vấn đề và giảm dần về yêu cầu học thuộc bài. Như vậy, khi ôn tập, có một điều quan trọng mà quý vị phụ huynh và các em học sinh cần lưu ý:


TĂNG CƯỜNG VẬN DỤNG, GIẢM THIỂU HỌC THUỘC


Có nghĩa là, ta cần luyện tập để làm sao học sinh có thể tự đưa ra được ý kiến trước các vấn đề đề đưa ra, tự mình cắt nghĩa, giải thích được văn bản (cả văn bản đọc hiểu ở Câu 1 lẫn văn bản văn học ở Câu 3), có kĩ năng viết đoạn văn và kĩ năng viết bài văn. Việc học thuộc cần đưa về mức tối thiểu, chỉ học những gì cơ bản nhất, không thể không thuộc.

Ta có thể dễ dàng nhận ra, ở đề thi, 6 điểm (Câu 1 và Câu 2) đều là vận dụng, học sinh chỉ cần hiểu và luyện các dạng bài tập là sẽ dễ dàng nắm được. Yêu cầu học thuộc nặng nhất ở Câu 3, nghị luận văn học, học sinh bắt buộc phải nắm được những trọng tâm của từng bài học, nắm được dẫn chứng và cách phân tích dẫn chứng, thì mới có thể làm tốt được. Nhưng Câu 3, chỉ chiếm 4 điểm trong bài thi.

Như vậy, đề thi yêu cầu tươi đối cao về vận dụng, nhưng lại giúp cho những em học sinh không có năng khiếu về văn chương hay thường gặp khó khăn trong việc cảm nhận tác phẩm văn học có nhiều cơ hội lấy điểm. Ta có thể tính toán một cách tương đối thế này, để hình dung được mức độ đề.

 câu 1, câu đọc hiểu, nếu làm đúng hết các câu hỏi vận dụng (a,b,c) và gặp chút sai sót ở phần viết đoạn (câu d), học sinh sẽ được khoảng 2,5 điểm.

 câu 2, câu NLXH, nếu học sinh nắm vững dạng bài, xác định đúng vấn đề nghị luận và triển khai được bài viết ở mức độ cơ bản, mắc sai sót ở một số lỗi diễn đạt, học sinh có thể được đến khoảng 2,5 điểm.

Ở câu 3,câu NLVH, nếu học sinh gặp khó khăn về cảm thụ văn chương, thuộc ít dẫn chứng, nhưng nếu học sinh nắm vững dạng bài, triển khai được các ý cơ bản (không được bỏ ý mở rộng, nâng cao), thì học sinh sẽ được tối thiểu 2 điểm, là mức điểm trung bình ở câu này.

Như vậy, ngay cả đối với các em học sinh không có năng khiếu văn chương, không giỏi kĩ năng viết, nếu ôn tập cẩn thận kĩ càng, các em vẫn có thể đạt đến mức điểm 7, mức điểm này với môn Văn có thể xem là “an toàn” để các em xét tuyển vào các trường công lập.

Do đó, ngay từ đầu, định hướng của chúng ta là hướng dẫn các em làm bài tập, luyện tập cho quen với các dạng đề, và quan trọng là viết và sửa kĩ năng viết.

Cụ thể như sau:

Đối với câu 1, đọc hiểu văn bản:

Câu
Cấp độ tư duy
Yêu cầu
Hướng ôn tập
a
Nhận biết
Học sinh nhận diện một đơn vị kiến thức đã học (chủ yếu là về tiếng Việt) hoặc nhận diện thông tin trong văn bản.
-Căn cứ vào các bài tiếng Việt trong chương trình lớp 9 để biết nội dung cần ôn tập.

-Khung Ghi nhớ sẽ giúp ta biết được kiến thức cần nắm. Nhưng lúc này ta không yêu cầu học sinh học thuộc từng câu từng chữ như cách học trước đây, mà chỉ cần học sinh hiểu vấn đề, tự diễn đạt lại được bằng văn của mình, và có khả năng nhận biết các đơn vị kiến thức ấy là đạt yêu cầu.

-Trong các bài tiếng Việt, có nhóm bài “Tổng kết về từ vựng” và “Tổng kết về ngữ pháp”, nhắc lại kiến thức của cả ba khối trước đó là 6,7,8. Điều này không có nghĩa ta phải học hết cả 4 chương trình, mà ta chỉ cần ôn tập theo định hướng bài tập SGK đã đưa ra. Các em học sinh chỉ cần hiểu và biết làm các bài tập ấy là được.

b
Nhận biết
c
Thông hiểu
Học sinh giải thích được thông tin trong văn bản, trả lời được những câu hỏi ví dụ như:
“Giải thích ý nghĩa nhan đề văn bản”
“Tìm ra mối liên hệ giữa hai văn bản”
“Giải nghĩa từ ngữ trong văn bản”
“Vì sao tác giả cho rằng…”
Luyện tập kĩ năng cắt nghĩa văn bản. Kĩ năng giải nghĩa cần được luyện tập bằng cách làm nhiều dạng bài tập để hình thành phản xạ khi đọc.
d
Vận dụng
Viết đoạn văn ngắn về một vấn đề rút ra từ văn bản.
Luyện kĩ năng viết đoạn. Cần hết sức sửa lỗi về diễn đạt, chính tả, lỗi câu. Ưu tiến viết đoạn Tổng phân hợp.

Đối với câu 2, Nghị luận xã hội, có hai dạng nghị luận xã hội cơ bản các em cần nắm vững cách làm: Nghị luận xã hội về một vấn đề tư tưởng đạo lýNghị luận xã hội về hiện tượng đời sống. Có những giáo viên ôn tập phần này bằng cách cung cấp cho học sinh rất nhiều bài giải mẫu và yêu cầu học thuộc. Với cách làm này trong đề thi hiện nay, sẽ là hoài công vô ích, bởi nếu thuộc mà không hiểu, học sinh sẽ không thể vận dụng giải quyết các câu hỏi mở của đề được. Từ năm 2017 đến 2018, câu NLXH đã phức tạp hơn khi xuất hiện dạng Nghị luận xã hội tổng hợp, yêu cầu học sinh bàn về 2 mặt của một vấn đề, bàn về hai vấn đề tương quan với nhau… Thực chất, dạng nghị luận xã hội tổng hợp chính là yêu cầu vận dụng ở mức độ cao hơn từ hai dạng cơ bản. Chỉ cần nắm vững hai dạng cơ bản là sẽ làm tốt.

Đối với câu 3, Nghị luận văn học, đây là câu duy nhất phải học bài kĩ, tuy chỉ chiếm 4 điểm trong bài thi, nhưng thời gian học để chuẩn bị cho câu này lại chiếm nhiều nhất trong chương trình Ngữ văn 9, do đó cần phải lên kế hoạch sớm, chia dần bài ra để học, tuyệt đối tránh tình trạng nước đến chân mới nhảy. Có ba dạng bài ta cần lưu ý: Dạng so sánh hai đoạn thơ, dạng phân tích nhân vật, dạng phân tích một đoạn truyện.


PHƯƠNG PHÁP HỌC ĐỐI VỚI CÁC TÁC PHẨM VĂN HỌC

Như vậy, đối với những học sinh không có năng khiếu văn chương, thử thách lớn nhất trong môn Văn chính là việc học tác phẩm văn học. Ngay cả đối với phần học thuộc này, ta vẫn phải nhớ quy tắc vàng: Tăng cường vận dụng, giảm thiểu học thuộc, để phần ôn tập được thuận lợi nhất. Ta nên chia ra học theo hai thể loại chính, là thơ và truyện. Phần hướng dẫn sau dành cho các em học sinh lớp 9, quý vị phụ huynh có thể căn cứ vào đó để giúp đỡ dò bài, kiểm tra tiến độ học tập ở nhà của các em.

VỚI TÁC PHẨM THƠ

Việc học thuộc văn bản thơ rất quan trọng. Ta cần sắp xếp thời gian để học từ từ, như vậy sẽ thấm sâu hơn. Việc học thuộc thơ, có hai vai trò. Đầu tiên, nó giúp các em sẽ dễ dàng hơn khi học phần phân tích. Thứ hai, nó sẽ cung cấp cho các em kiến thức để làm phần liên hệ, mở rộng ở câu nghị luận văn học trong bài thi.

-Hãy bắt đầu ôn từ thơ hiện đại trước, thơ trung đại sau.

-Hãy bắt đầu ôn từ tác phẩm em nắm vững nhất trước, rồi đến những tác phẩm ít tự tin hơn.

-Học văn bản thơ từ tổng thể trước, chi tiết sau. Đầu tiên em hãy nắm nội dung chính của bài thơ. Sau đó em hãy nắm bố cục từng phần. Cuối cùng em mới học thuộc từng đoạn thơ theo bố cục.

-Hãy chọn cách học nào em cảm thấy hiệu quả với mình nhất: Có bạn học tốt nhất khi đọc đi đọc lại đến thuộc, có bạn học tốt nhất khi chép ra giấy, có bạn lại học tốt nhất khi trả bài với bạn khác…

-Hãy dồn sức tập trung để học, đừng để bị chi phối bởi các thiết bị điện tử, có như vậy thì mới hiệu quả được.

Kế đến ta học đến phần phân tích thơ:

Với tác phẩm thơ, đề bài yêu cầu em biết phân tích vẻ đẹp của đoạn thơ đề cho, hay nâng cao hơn, là so sánh vẻ đẹp của 2 đoạn thơ. Hãy nhớ, việc phân tích đi từ nghệ thuật đến nội dung, và tự em có thể suy ra được, không cần phải học thuộc y hệt tài liệu. Tài liệu chỉ đóng vai trò định hướng để em biết phải khác thác đoạn thơ như thế nào thôi.

Hãy làm những thao tác sau, để nắm từng đơn vị bài học.

1. Với một tác phẩm thơ, đầu tiên em phải nắm được bố cục của bài thơ đó, bài thơ chia làm mấy phần và nội dung của từng phần là gì?

2. Tiếp đến, em hãy chép từng phần thơ vào trong một tờ nháp. Lúc này, không nhìn bất kì tài liệu nào nữa cả.

3. Hãy ghi ra nháp: Nội dung chính của đoạn thơ đó là gì? Hãy ghi theo cách hiểu của em,miễn hợp lý là được. Không cần y hệt tài liệu hay bài giảng của thầy cô, miễn hợp lý là được.

4. Bây giờ, đọc đoạn thơ em ghi trong nháp. Theo trình từ đọc từ trái qua phải, từ trên xuống dưới, lần lượt từng câu thơ, hãy gạch chân các dấu hiệu nghệ thuật mà em thấy đặc biệt. Em hãy chú ý đến: từ ngữ, hình ảnh thơ, biện pháp tu từ, các kiểu câu cầu khiến, cảm thán, nghi vấn, các thanh bằng, trắc, vần, nhịp… Sau khi gạch chân hết, em điểm lại: Các dấu hiệu nghệ thuật ấy có ý nghĩa gì? Chúng muốn truyền tải điều gì? – Đây là lúc em kết hợp giữa những gì được nghe giảng trong lớp, những gì em đã biết về tác phẩm với những suy luận của em.

5- Ở trên, em đã làm thao tác phân tích tác phẩm. Bây giờ em hãy đánh giá lại xem: Đoạn thơ đó đặc sắc nhất về nội dung là gì? Đặc sắc nhất về nghệ thuật là gì? 

6 – Sau khi làm xong tất cả các bước trên, em đã có một bản phân tích do chính em làm. Tức là em đã nắm tác phẩm và có thể tự phân tích khi vào phòng thi. Bây giờ, em hãy đối chiếu phần em vừa làm với bài giảng trên lớp của thầy, cô xem có chỗ nào chưa chính xác hay không. Em có thể bổ sung thêm ý của thầy, cô cho bài thêm sâu sắc nếu muốn. Nhưng hãy nhớ: Đề thi tuyển sinh kiểm tra em vận dụng kiến thức thế nào, nên nếu không thuộc từng câu, từng chữ, hay bỏ sót một, hai ý, thì cũng không sao cả.

VỚI TÁC PHẨM TRUYỆN

Với tác phẩm truyện, thì sau đây là những việc cần làm:

1 – Học tóm tắt tác phẩm. Đầu tiên, em có thể lược lại nội dung tác phẩm bằng cách kể lại tác phẩm đó bằng văn của mình cho một người khác nghe. Sau đó, em cần ghi ra nháp những SỰ KIỆN QUAN TRỌNG NHẤT TRONG CỐT TRUYỆN, để nắm trình tự diễn biến cốt truyện. Nếu cần, em có thể viết sẵn ra những đoạn văn tóm tắt tác phẩm. Việc nắm tóm tắt tác phẩm cho hai cái lợi: Thứ nhất nó giúp em nắm chính xác dẫn chứng, tránh tình trạng râu ông nọ cắm cằm bà kia. Thứ hai, nó giúp em tránh mất thời gian khi làm bài thi, thực tế có nhiều bạn do không chuẩn bị phần này, nêu khi vào phòng thi viết tóm tắt quá dài, có khi cả trang giấy, sẽ tốn thời gian mà không được điểm cao.

2 – Học hệ thống luận điểm. Phần trọng tâm của các tác phẩm truyện chính là phân tích nhân vật của nó. Vậy với mỗi nhân vật, ta cần nắm những luận điểm nào? Em hãy vẽ ra những sơ đồ cho từng nhân vật để nắm chắc hệ thống luận điểm này.

3 – Học dẫn chứng trực tiếp. Phần phân tích nhân vật, không thể nào thiếu được dẫn chứng trực tiếp. Nhưng quá nhiều dẫn chứng, làm sao học hết đây? Trước tiên, với mỗi luận điểm, em hãy chọn ra khoảng 2 đến 3 dẫn chứng tiêu biểu nhất. Nếu dẫn chứng quá dài và cảm thấy khó nhớ, em có thể chia thành những cụm từ ngắn hơn để học, nhưng phải đảm bảo cụm từ ấy diễn đạt trọn vẹn ý nghĩa. Em hãy lấy 1 tờ giấy A4 ra, chép lại toàn bộ dẫn chứng cho từng tác phẩm, mỗi tác phẩm trong tối đa 1 mặt giấy A4 thôi. Sau khi làm xong, em sẽ có 1 bộ tóm tắt dẫn chứng, mỗi tác phẩm khoảng mười đến mười lăm dẫn chứng. Em hãy học trong đó thôi, vì đây là những dẫn chứng em chọn lọc, nên sẽ dễ học hơn rất nhiều, đúng không nào?

4 – Thuộc dẫn chứng là quan trọng, nhưng quan trọng hơn phải hiểu dẫn chứng. Dẫn chứng đó có ý nghĩa gì? Dẫn chứng đó giúp ta hiểu thêm điều gì về nhân vật? Qua dẫn chứng đó, nhà văn gửi đến bài học,thông điệp gì? Những nội dung này em không cần học thuộc, mà hoàn toàn có thể suy ra và diễn đạt bằng văn của mình. Đây mới là phần quan trọng. Một bài văn liệt kê rất nhiều dẫn chứng, không được đánh giá cao bằng một bài văn biết cách bình dẫn chứng

5 – Đánh giá tổng quát lại tác phẩm. Em cần đánh giá về phương diện nội dung và nghệ thuật. Đối với phân tích nhân vật, thì có một số ý cần xét đến như sau:

++Về nội dung: Nhân vật có thể hiện giá trị nhân đạo, giá trị hiện thực hay không? Nhân vật đại diện cho ai (ví dụ: người phụ nữ trong xã hội phong kiến, người nông dân, thế hệ trẻ thời kì kháng chiến…? Qua nhân vật, nhà văn muốn gửi đến thông điệp gì?

++ Về nghệ thuật: Nghệ thuật kể chuyện có gì đặc sắc không (về ngôi kể, cốt truyện, không gian, thời gian…)? Nghệ thuật xây dựng nhân vật có gì đặc sắc không? (Chân dung, ngoại hình, tính cách, hành động, lời nói…)? Ngôn ngữ có gì đặc biệt không? (ngôn từ gợi tả, câu văn bay bổng hay ngắn gọn súc tích, ngôn ngữ kể chuyện đậm chất Bắc Bộ hay Nam bộ…).

Hãy trả lời những câu hỏi này theo cách hiểu của mình, không cần phải học thuộc.

KẾT

Quý vị phụ huynh thân mến,

Còn 3 tháng nữa là kì thi tuyển sinh sẽ đến, và môn Văn là một trong những môn gây lo lắng nhiều nhất phải không? Tôi hoàn toàn chia sẻ với quý vị về điều đó. Tuy vậy, chúng ta không nên quá căng thẳng và cảm thấy bị áp lực, bởi chỉ cần lên kế hoạch hợp lý và phân chia công việc thành từng phần nhỏ nhưng hiệu quả, ta sẽ vượt qua được mọi khó khăn, trở ngại. Ở bài viết này, tôi đã nhấn mạnh một số điều để chúng ta hình dung rõ hơn về đề thi:

Một là, đề thi Ngữ văn được thiết kế để những học sinh dù không có năng khiếu về văn chương, nhưng nếu luyện tập tốt và rèn luyện nghiêm túc, thì vẫn có thể đạt được tối thiểu 7 điểm.

Hai là, đề thi Ngữ văn được thiết kế thiên về vận dụng hơn là học thuộc. Cho nên cảnh nhồi nhét kiến thức rồi khổ sở dò cuốn đề cương cả chục trang, mà phải nhớ từng câu từng chữ, đến bây giờ là chấm dứt. Đơn giản và hiệu quả nhất vẫn là luyện tập (Những cuốn sách luyện thi ngoài nhà sách có thể giúp chúng ta khâu này) và dò bài (chỉ những nội dung cơ bản nhất, ngắn gọn nhất, với những công cụ trợ giúp như sơ đồ tư duy, bảng biểu, bảng tóm tắt.

Ba là, chúng ta còn 3 tháng nữa mới đến kì thi, vẫn còn 12 tuần, đây là thời điểm thích hợp để bắt đầu kế hoạch ôn tập. Công việc mỗi tuần không cần nhiều, ta chia ra từng phần việc nhỏ cho từng tuần, nhưng hiệu quả sau 12 tuần sẽ rất đáng để ta cố gắng. Hãy nhẹ nhàng đồng hành cùng các em học sinh, để các em thoải mái tinh thần nhưng vẫn trong khuôn khổ, và chú ý đến sự tiến bộ của các em qua từng tuần, dù là tiến bộ nhỏ nhất để kịp thời động viên, khích lệ.

Kì thi chuyển cấp, dẫu quan trọng và khó khăn, nhưng xét cho cùng cũng chỉ là một biến cố, một cột mốc trong cuộc đời dài và rộng của chúng ta, nên xét cho cùng, ta cũng chẳng có gì để lo lắng về nó cả, chỉ cần cẩn thận chuẩn bị thật tốt, và làm hết sức mình, rồi tất cả sẽ ổn thôi.

Chúc quý vị phụ huynh và các em học sinh mọi điều an lành và hạnh phúc nhất.
THẦY TRẦN LÊ DUY
(BLOG CHUYÊN VĂN)




Đăng nhận xét