Search Suggest

PHẢI CHĂNG CÁI ĐẸP CHÍNH LÀ CUỘC SỐNG?


Đề bài:

Bàn về cái đẹp trong các tác phẩm văn học, có người cho rằng: Cái đẹp trong tác phẩm văn học phải là cái đẹp độc đáo, khác thường. Nhà phê bình người Nga Séc-nư-ép-sky thì cho rằng: “Cái đẹp chính là cuộc sống”. Liệu hai ý kiến này có mâu thuẫn với nhau?

Bằng hiểu biết của anh (chị) về tác phẩm “Chữ người tử tù” (Nguyễn Tuân) và đoạn trích “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài” (trích vở kịch “Vũ Như Tô” của Nguyễn Huy Tưởng), hãy bình luận về hai ý kiến trên.



GỢI Ý THÂN BÀI

Thao tác
Nội dung cần đạt
1.Giải thích
-Cái đẹp: những yếu tố mang giá trị thẩm mỹ trong tác phẩm văn học. Đó có thể là cái đẹp của thiên nhiên, cái đẹp của phong tục, cái đẹp của con người, cái đẹp của hình thức nghệ thuật…
-Cái đẹp độc đáo, khác thường: Cái đẹp khác với quan niệm thông thường của người đời. Đó có thể là cái đẹp khuất lấp ở những nơi không ai ngờ tới, hoặc đó có thể là cái đẹp siêu việt, phi thường, vượt lên trên những giới hạn của đời sống.
-Quan niệm của Séc-nư-ép-sky: “Cái đẹp chính là cuộc sống” muốn khẳng định nguồn gốc và đặc trưng của cái đẹp trong tác phẩm văn học. Cái đẹp ấy phải bắt nguồn từ đời sống, phải gắn bó và phục vụ đời sống.
èNHẬN XÉT: Hai nhận định trên không hề mâu thuẫn, mà trái lại bổ sung cho nhau. Từ mảnh đất hiện thực cuộc sống, văn học kiếm tìm những cái đẹp khác thường, độc đáo, để rồi từ chính cái đẹp khác thường và độc đáo ấy, văn học quay trở lại phục vụ, cải tạo hiện thực đời sống.
2.Bàn luận
1) Tại sao tác phẩm văn học phải phản ánh cái đẹp?
-         -Đặc trưng của văn học là hình thức sáng tạo theo quy luật của cái đẹp. Nhà văn sáng tạo nên tác phẩm dưới ánh sáng của lý tưởng thẩm mỹ. Trong nghệ thuật, lý tưởng thẩm mỹ góp phần định hướng tư duy theo tiêu chí Chân – Thiện – Mỹ. Những nghệ sĩ chân chính, qua hoạt động nghệ thuật của mình, đã khẳng định những tư tưởng tiến bộ, nhằm phục vụ điều thiện và chính nghĩa. Thiếu khát khao vươn tới cái đẹp, nghệ thuật sẽ mất đi sức mạnh cơ bản của nó, sẽ không thể thanh lọc tâm hồn con người và cải tạo xã hội. Cho nên, nghệ thuật không những phản ánh quy luật của đời sống mà còn phản ánh cách đánh gía thẩm mỹ về đời sống.
-         -Giá trị thẩm mỹ chính là đặc trưng của văn học. Nó giúp khu biệt văn học với các hình thái ý thức xã hội khác như lịch sử, triết học. Nói đến văn học, là nói đến cái đẹp. "Văn học, đó là tư tưởng đi tìm cái đẹp trong ánh sáng". (Charles DuBos).
-          
2) Tại sao văn học hướng đến cái đẹp độc đáo, khác thường?
-Sáng tác văn học là quá trình sáng tạo mang tính chất cá thể, không lặp lại người khác và không lặp lại chính mình. “Nghệ sĩ là người biết khai thác những ấn tượng riêng chủ quan của mình, tìm thấy những ấn tượng đó có giá trị khái quát và biết làm cho những ấn tượng đó có những hình thức riêng.” (M.Gorki). Do đó, văn học thường hướng đến những cái đẹp độc đáo, những cái đẹp khác thường.
-Mặt khác, văn học luôn sáng tác ra cho con người và vì con người. Văn học chính là cầu nối giữa trái tim với trái tim giữa tâm hồn với tâm hồn. Văn học là “người thư kí trung thành của trái tim” luôn thấu hiểu những tâm tư tình cảm những niềm ngưỡng vọng muôn thuở của nhân loại è Mà khát vọng muôn đời của nhân loại chính là vươn đến những giá trị Chân – Thiện – Mỹ, vượt thoát khỏi giới hạn tồn tại của không gian và thời gian để hướng đến những giá trị vĩnh hằng, bất diệt è Những cái đẹp độc đáo, khác thường xuất hiện trong văn học như một lẽ tự nhiên.

3) Tại sao “cái đẹp chính là cuộc sống”?
-Văn học bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống. Cuộc sống chính là đối tượng phản ánh và là nguồn chất liệu dồi dào của văn học. Nam Cao nói: “Sống đã rồi hãy viết”. Chế Lan Viên khuyên các nhà thơ trẻ: “Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép”. Nếu không có hiện thực cuộc sống thì sẽ không có tác phẩm văn học. Cho nên cái đẹp trong tác phẩm văn học, chính là cái đẹp từ hiện thực cuộc sống.
-Hơn nữa, như nhà văn Andersen đã từng nói: “Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp hơn câu chuyện cổ tích do cuộc sống viết ra”. Cái đẹp đến từ cuộc sống là cái đẹp vô cùng phong phú và đa dạng. Cuộc sống là mảnh đất phì nhiêu bất tận để hạt mầm văn chương vươn mình trỗi dậy. Khởi nguồn từ đời sống, văn chương sẽ tìm đươc cho mình vô vàn đóa hoa đẹp, dù là cái đẹp giản dị mỏng manh cho đến cái đẹp hùng vĩ cao cả, và cả những cái đẹp độc đáo, khác thường.
3.Chứng minh
A. TÁC PHẨM CHỮ NGƯỜI TỬ TÙ

1)   Trong tác phẩm “Chữ người tử tù”, Nguyễn Tuân đã khám phá ra một vẻ đẹp độc đáo, khác thường – đó là cái đẹp đặc tuyển của nhân cách con người, của con chữ trong cảnh đề lao tràn ngập bóng tối và những điều phi nhân.

-Đối với Huấn Cao, cái đẹp đặc tuyển đạt đến độ “hoàn thiện, hoàn mỹ” khi ở đó kết tinh tài năng, nhân cách, thiên lương của ông Huấn. (Lướt)
-Đối với viên quản ngục, cái đẹp đặc tuyển thể hiện trong tấm lòng biệt nhỡn liên tài và tình yêu thiết tha với con chữ, khiến ông trở thành “thanh âm trong trẻo trong một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn, xô bồ”. (Lướt)
-Tất cả nét đẹp của nhân vật châu tuần về biểu tượng chữ - hiện thân của cái đẹp làm nên sự thay đổi tình huống lạ lùng trong tù lao. Khi cái đẹp sinh thành và ngự trị, quy luật của cái đẹp đã lấn át mọi quy luật của đời sống. Lúc này không còn viên quản ngục, không còn người tù, không còn bề trên, không còn kẻ dưới, tất cả tháo bỏ hết mọi lớp mặt nạ đời sống để trở về với bản nguyên của mình trong tư cách Con Người đứng trước Cái Đẹp. Lúc này chỉ còn người sáng tạo cái đẹp và người thụ hưởng cái đẹp, chỉ còn những tấm lòng tri âm tri kỉ. Ánh sáng của cái đẹp rực rỡ đẩy lùi bóng tối, làm hồi sinh sự sống, cái đẹp trở thành đỉnh cao mà các nhân vật chính là những chân trụ của nó – mỗi nhân vật đều trở thành một hiện thân của cái đẹp, họ là “tam vị” của nhất thể thiêng liêng và huyền nhiệm – cái đẹp. Tiến sĩ Chu Văn Sơn gọi cảnh cho chữ này là “sự nổi loạn của cái đẹp”. (Bình sâu, nhấn vào tư thế ung dung của Huấn Cao và cái quỳ lạy của viên quản ngục)

2)   Qua đó, tác phẩm “Chữ người tử tù” đã cho thấy tính đúng đắn trong nhận định của Séc-nư-ép-sky: “Cái đẹp chính là cuộc sống”.
-Cái đẹp ở đây “chính là cuộc sống” bởi nó bắt nguồn từ chính “những tấm lòng trong thiên hạ”, bắt nguồn từ vẻ đẹp của thiên lương cao cả. Tuy Huấn Cao, viên quản ngục đều là những nhân vật được xây dựng dưới lăng kính lý tưởng hóa của chủ nghĩa lãng mạn, nhưng tấm lòng yêu cái đẹp, trân trọng người tri âm tri kỉ lại chính là một “sự thực đời sống” có sức lay động đến người đọc.
-Qua đó, Nguyễn Tuân gửi gắm những thông điệp mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc:
+Nghệ thuật phải hài hòa với cái đẹp phẩm chất tâm hồn.Cái đẹp có thể sinh ra từ cái xấu xa, cái cao thượng có thể sinh ra từ cái thấp hèn, nhưng cái đẹp và cái cao thượng không chấp nhận tồn tại song song với cái xấu xa, thấp hèn ấy.
-Muốn chiếm lĩnh được cái đẹp, con người phải phấn đấu, dám đấu tranh từ bỏ những xấu xa, hèn kém trong tâm hồn mình để vươn lên xứng đáng với cái đẹp.
-Thân thể có thể bị hủy hoại, con người có thể chết đi nhưng cái đẹp và sứ mệnh cứu rỗi con người của cái đẹp là bất tử. “Cái đẹp cứu chuộc thế giới” (Dostoyevsky).

B. ĐOẠN TRÍCH “VĨNH BIỆT CỬU TRÙNG ĐÀI”

1)   Trong đoạn trích “VBCTĐ”, Nguyễn Huy Tưởng đã khám phá ra cái đẹp độc đáo, khác thường trong hình ảnh Cửu Trùng Đài – một cái đẹp siêu việt mang chứa hoài bão lớn lao của người nghệ sĩ Vũ Như Tô.

-         -Đó là kết tinh cho tài năng “nghìn năm chưa dễ có một” của Vũ Như Tô: “chỉ vẩy bút là chim, hoa đã hiện lên trên mảnh lụa thần tình biến hóa như cảnh hóa công”. Vũ Như Tô trổ hết tài năng để xây dựng cho đất nước một tòa lâu đài vĩ đại “bền như trăng sao”, có thể “tranh tinh xảo với hóa công” để cho “dân ta nghìn thu còn hãnh diện”
-         è NHẬN XÉT: Cửu Trùng Đài chính là biểu tượng cho cái đẹp siêu việt, vượt ra khỏi mọi bờ cõi và giới hạn. Đó chính là khát vọng muôn thuở của nhân loại muốn vượt qua giới hạn không gian và thời gian để vươn đến sự trường cửu. Con số 9 trong cái tên “Cửu Trùng Đài” hiện thân cho cái vĩ đại vô cùng vô tận ấy, không gì có thể sánh được.

2)   Bi kịch của Vũ Như Tô trong quá trình xây dựng Cửu Trùng Đài chính là cách Nguyễn Huy Tưởng xây dựng một phản đề để gián tiếp khẳng định quan niệm của Sec-nư-ép-sky: “Cái đẹp chính là cuộc sống”
-Bi kịch xảy ra do Vũ Như Tô lợi dụng Lê Tương Dực để thực hiện hoài bão, ông chỉ đứng trên lập trường, quan điểm của cái Đẹp mà không đứng trên lập trường, quan điểm của cái Thiện. Khát vọng người nghệ sĩ đi ngược lại với lợi ích của quần chúng nhân dân dẫn đến bi kịch đẫm máu của lịch sử.
Ø -Diễn biến của lớp kịch căng thẳng, dồn dập, cuộc biến loạn giống như một cơn giông bão đang dần tiến đến Vũ Như Tô, càng lúc càng dữ dội, tàn khốc, đau thương. Nó dữ dội từ xa trong lời kể của Đan Thiềm và quan nội giám, nó thảm khốc trong cái chết của tên quan ngu trung Nguyễn Vũ, nó đau thương trong cái chết của Đan Thiềm, nó bi phẫn trong sự hủy diệt của Cửu Trùng Đài và trong cái chết của bản thân Vũ Như Tô è Vậy mà Vũ Như Tô vẫn khẳng định “Vô lý, vô lý”  như muốn đấu lý với cuộc đời, ông không muốn tin và không thể chấp nhận mình sai lầm.
-Nhân vật bi kịch phải trả giá bằng sự hủy diệt của mộng lớn và bằng chính tính mạng của mình. Điều bi thương nhất của Vũ Như Tô là sự lạc lõng của ông giữa những kẻ nông nổi và tàn ác, là sự cô đơn đến đáng thương trước lòng hận thù của nhân dân. Chỉ đến khi kinh thành phát hỏa, Cửu Trùng Đài bị đập phá và biến thành một đài lửa rừng rực trong kinh Thăng Long đầy biến động, tận mắt chứng kiến “ánh lửa sáng rực, có cả tàn than, bụi khói bay vào”, Vũ Như Tô mới vỡ mộng, bừng tỉnh, xiết bao đau đớn, rú lên kinh hoàng tuyệt vọng: “Trời ơi! Phú cho ta cái tài làm gì? Ôi mộng lớn! Ôi Đan Thiềm! Ôi Cửu Trùng Đài!”. Trước sự thật tàn khốc ấy, nỗi đau vỡ mộng trong Vũ Như Tô hóa thành tiếng kêu bi thiết, não nùng, khắc khoải. Trong tiếng kêu ấy, mộng lớn, Đan Thiềm, Cửu Trùng Đài được tác giả đặt nối tiếp nhau, dồn dập vang lên, nỗi đau mất mát như hòa vào làm một, thành nỗi đau bi tráng tận cùng. Đây chính là âm hưởng chủ đạo trong đoạn kết của tác phẩm và cũng là thứ chủ âm dội ngược lên toàn bộ những phần trước của vở kịch.
NHẬN XÉT:Chính bởi vì tách rời “cái đẹp” và “cuộc sống” mà Vũ Như Tô đã tạo ra Cửu Trùng Đài cao cả và đẫm máu như một bông hoa ác. Ở đây bi kịch giáng xuống cả Vũ Như Tô và nhân dân, giáng xuống cả Cái Đẹp lẫn Cái Thiện. Khi cái Đẹp dửng dưng mọc rễ từ máu và nước mắt của cái Thiện, nó sẽ bị cái Thiện bức tử. Còn cái Thiện, khi nó nhảy múa vui vẻ trên cái xác rực lửa của cái Đẹp, nó cũng đã tự đốt cháy và hủy diệt chính mình.
4. Tổng kết
-Tác phẩm “Chữ người tử tù” và đoạn trích “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài” đã khẳng định mối quan hệ giữa cái đẹp độc đáo, khác thường và đời sống – đúng như quan niệm của Sec-nư-ep-sky.
Bổ sung vấn đề:
-Trong văn học, cái đẹp độc đáo, khác thường không nhất thiết phải là những gì lớn lao kì vĩ hoặc hoành tráng, đó có thể là những vẻ đẹp rất bình dị, gần gũi với bất kì ai, nhưng chính cái nhìn của người nghệ sĩ đã khám phá ra những điểm độc đáo, có ý nghĩa nơi những sự vật tưởng như ai cũng quen thuộc. Điều đó đòi hỏi cái tâm và cái tài của người nghệ sĩ.
-Cái đẹp ấy cần được truyền tải bằng một hình thức nghệ thuật phù hợp, độc đáo.


SOẠN ĐỀ VÀ LÀM ĐÁP ÁN
THẦY TRẦN LÊ DUY

Đăng nhận xét