Search Suggest

[BÀI VIẾT] HÃY YÊU THƯƠNG KHI CÒN CÓ THỂ...






Đề bài: Đời sống văn
học chính là những cuộc đối thoại. Người đọc, nhà văn và tác phẩm đối thoại để
tìm thấy tiếng nói tri âm hoặc để làm sáng tỏ chân lý.


Bằng những trải
nghiệm văn học của mình, anh/ chị hãy viết bài văn đối thoại với một tác giả hoặc
một nhân vật văn học mà mình yêu thích.






Bài
làm








"Gia đình là nơi cuộc sống bắt đầu và tình yêu không bao giờ kết thúc".






“Cố
lên, mình sẽ làm được thôi!”. Đây là câu nói mà tôi đã nhẩm đi nhẩm lại suốt cả
đoạn đường từ nhà đến bến xe buýt. Hôm nay là một ngày trọng đại: tôi sẽ đến
nhà cô Shin Kyung Sook – tác giả của cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Hãy chăm sóc mẹ”.
Tôi đến để cùng cô thảo luận về đời sống, về văn chương và cả cảm hứng sáng tác
của cô trong sự nghiệp. Ngồi đối diện cô trong căn phòng đọc sách, tôi bật chiếc
máy ghi âm, đặt nó lên bàn, lấy ra cuốn sổ tay nhỏ và bắt đầu công việc phỏng vấn
của mình.





-       Thưa
nhà văn Shin Kyung Sook, cuốn tiểu thuyết “Hãy chăm sóc mẹ” đã được rất nhiều bạn
đọc tìm đến, thậm chí là vươn ra xa khỏi Đại Hàn Dân Quốc. Vậy cô có thể cho
cháu biết thêm về nguồn cảm hứng của cô khi viết cuốn sách này không ạ?





-       Trước
tiên cô xin cảm ơn mọi người đã tìm đọc tới tác phấm của cô. Bản thân cô chỉ muốn
truyền đạt cho mọi người giá trị của những điều ta tưởng chừng nhỏ bé, đó chính
là gia đình hay nói cụ thể hơn là giá trị, vai trò của một người mẹ. Hành trình
tìm lại người mẹ trong câu chuyện của cô chính là hành trình tìm lại những gì
chúng ta đã làm mất trong xã hội hiện đại hoá. Đó cũng chính là hiện thực cuộc
sống lúc bấy giờ. Điều này đã tạo nên nguồn cảm hứng sáng tác của cô. Trách nhiệm
của nhà văn là phải nhìn vào hiện thực cuộc sống và sáng tác nhằm dẫn lối bạn đọc
tới chân-thiện-mỹ để cải tạo hiện thực cuộc sống.





-       Cháu
được biết rằng ở ngay trang sách đầu tiên, cô đã lấy câu nói “Ôi yêu thương, chừng
nào còn có thể” của Franz Liszt làm lời đề tựa cho tác phẩm của mình. Cô có thể
chia sẻ thêm đôi chút về câu nói này được không ạ?





-       Đối
với cô, văn chương là phải lách sâu vào tận cùng của con người đến từng uẩn khúc
trong tâm hồn. Thời đại lúc bấy giờ chúng ta thường hay để những kí ức về gia
đình, những điều nhỏ nhặt của tuổi thơ vào trong một ngăn kéo và rồi lãng quên
đi chúng. Câu nói trên, cô nghĩ là mỗi bạn đọc sẽ có mỗi suy nghĩ riêng. Nếu đứng
trên vị trí người mẹ, ta sẽ nhận ra rằng dù đang bị lạc giữa nghìn người xa lạ,
ngay cả khi đã bị mất trí nhớ, điều duy nhất còn tồn tại trong ý thức của bà vẫn
là những đứa con của mình. Bà luôn nghĩ rằng bà còn phải chờ đợi bao lâu nữa mới
gặp lại con để được yêu thương, chăm sóc và lo lắng cho chúng. Ngược lại, khi
ta là những người con đang đi tìm mẹ trong chính câu chuyện, ta sẽ tự hỏi bản
thân không chỉ đơn giản là khi nào ta mới được gặp lại mẹ mà là khi nào ta mới
được yêu thương mẹ - điều đáng lẽ mà trước kia bản thân ta hoàn toàn có thể làm
được việc đó. Đây chính là quá trình tiếp nhận văn học. Mỗi bạn đọc sẽ có cho
mình những suy nghĩ riêng biệt qua lăng kính của tác giả. Từ đó, chúng ta sẽ nhận
thức được các quan niệm về đời sống. Dù là đứng ở vị trí của nhân vật nào, dù
là góc nhìn của chúng ta có khác nhau nhưng điều cuối cùng chúng ta đều phải hướng
đến đó là con đường chân-thiện-mỹ.





Shin
Kyung Sook nhìn vào mắt tôi chia sẻ chân thành mọi điều. Và chẳng biết vì lí do
gì, sự lo lắng trong tôi khi lần đầu được trò chuyện với người nổi tiếng dần trở
nên tan biến. Tâm trí tôi cũng bị cuốn theo những câu nói của cô và hơn tất cả,
tôi cảm thấy rằng đây chẳng còn là một cuộc phỏng vấn nữa mà là một cuộc trò
chuyện với những người thân trong gia đình.





-       Thưa
cô, các bạn đọc đã hồi âm rằng ngôn từ và cách viết của cô rất đặc biệt và độc
đáo. Chúng nhẹ nhàng, đơn giản nhưng lại để lại sự xúc động, sự nghẹn ngào và gần
như là nỗi ám ảnh trong tâm hồn bạn đọc. Phải chăng là cô có bí quyết riêng gì
khi sáng tác không ạ?





-       Thật
ra cuộc sống mà con, mọi thứ luôn có quy luật riêng của nó và văn chương cũng
thế. Văn chương không chỉ đòi hỏi phải bắt nguồn từ hiện thực mà mỗi tác phẩm
phải có cả nghệ thuật sáng tạo. Đây có thể nói là bí quyết của cô và cũng có thể
là của những nhà văn khác nữa. Như cô đã nói, chúng ta tìm đến văn chương là để
tìm đến lối đi đúng đắn cho cuộc đời và vì vậy mà nhu cầu của chúng ta khi tiếp
nhận văn học là rất cao. Mỗi bạn đọc khi tìm đến văn chương là muốn mở mang kiến
thức, nhận thức xã hội,… Vậy nên, muốn đạt được điều đó, văn chương đòi hỏi mỗi
nhà văn phải có cho mình “dấu vân tay nghệ thuật riêng”, không bị lẫn với các
nhà văn khác. Trong “Hãy chăm sóc mẹ”, cô đã sử dụng những câu từ đơn giản vì
khi nói đến gia đình, cô luôn muốn gợi nhắc về sự gần gũi vốn có. Cô muốn bạn đọc
cảm thấy như đang đối thoại với cô, cùng cô hồi tưởng những kí ức về gia đình
mà ít khi ta để ý tới và gần như là quên lãng chúng. Chỉ khi mất đi tất cả mọi
thứ trong cuộc đời, ta mới cảm thấy tiếc nuối và ân hận và đáng tiếc thay, mọi
thứ đều đã quá muộn. Những người con khi lạc mất mẹ mới bắt đầu nhớ tới sự tồn
tại của mẹ mình, kể cả người chồng – một người là cả cuộc đời của bà cũng mới hối
hận về những điều mình đã làm với vợ trong quá khứ. Bản thân mỗi chúng ta đều
quá tập trung vào cuộc sống bận rộn của riêng mình mà quên đi sự lầm lũi bình dị
của người mẹ đã chăm sóc, nuôi nấng chúng ta thành những người trưởng thành như
bây giờ.





Reng!
Chuông báo thức của điện thoại tôi vang lên báo hiệu rằng đã hết thời gian phỏng
vấn mà cô đã thông báo cho công ti của tôi ngày hôm qua. Nhà văn Shin Kyung
Sook mỉm cười tiếc nuối và nói với tôi:





-       Hết
giờ rồi sao, thật là tiếc quá! Xin lỗi con vì thời gian của cô không dành được
nhiều cho buổi phỏng vấn này.





-       Dạ
thật sự cháu rất vinh dự khi được trò chuyện cùng cô về những quan niệm của cô
về văn chương và cả trong đời sống. Cháu thay mặt công ti cảm ơn cô về buổi phỏng
vấn ngày hôm nay.





Tôi
chào tạm biệt cô và ra về. Ngày hôm nay, tôi không chỉ giải đáp được các thắc mắc
của bản thân mà còn hiểu sâu hơn về văn chương. Đời sống văn học bắt nguồn từ
hiện thực và rồi thông qua tác giả, tác phẩm đã trở thành những cuộc đối thoại
với bạn đọc để làm sáng tỏ chân lí. Trong “Hãy chăm sóc mẹ”, không chỉ đơn thuần
là tình mẫu tử, tình cảm gia đình mà còn nói lên sự lãng quên của chúng ta đối
với gia đình, sự hối tiếc muộn màng khi đánh mất đi tất cả những điều gắn bó với
ta thời thơ ấu. Tôi rất biết ơn nhà văn Shin Kyung Sook. Hãy yêu thương khi còn
có thể và đừng để mọi thứ trở thành “Ôi yêu thương, chừng nào còn có thể”.





PHAN
NGỌC MINH PHƯƠNG


LỚP
11CV TRƯỜNG THTH ĐHSP


NĂM
HỌC 2019 - 2020


Đăng nhận xét