Search Suggest

[GIỚI THIỆU SÁCH] THOÁT KHỎI BẪY CẢM XÚC




“Hy vọng bạn sẽ được vui vẻ, không phải chỉ là ở lúc này, mà là cả cuộc đời”

Đối với tôi, lời chúc của nhà sư Gyatso Rinpoche trong bộ sách “Tất cả đã an bài” có một sức mạnh diệu kì. Bằng tất cả niềm yêu thương dịu dàng, Gyatso Rinpoche truyền cho chúng ta sự an ủi lớn lao, rằng bất kì khoảnh khắc nào trong cuộc đời, ta đều xứng đáng được vui vẻ, được yêu thương, được hạnh phúc. Nếu đọc hết bộ sách của ngài, ta sẽ hiểu rằng cả một đời vui vẻ không phải là trông chờ đường đời bằng phẳng, trơn láng, chỉ toàn những chuyện hoan hỉ, mãn nguyện. Một đời vui vẻ chỉ có được qua việc ta làm chủ tâm thái và vận mệnh của mình, điều chỉnh nhân sinh quan và thế giới quan để an bình đón nhận mọi biến động của cuộc sống.

Những điều ấy, có lẽ bạn đã nghe nhiều, đôi khi nhiều đến mức sáo rỗng. Chỉ đến khi gặp cuốn sách “Thoát khỏi bẫy cảm xúc” của Daniel Rutley, tôi mới dần chuyển từ biết sang hiểu, và thực sự đã có những thay đổi tích cực trong cuộc sống của mình.

Thế nào là bẫy cảm xúc?

Có thể bạn không để ý, nhưng trong cuộc sống hằng ngày, bạn mắc kẹt trong rất nhiều cảm xúc tiêu cực: sự giận dữ, sự tuyệt vọng, nỗi lo âu, sự căm ghét. Những cảm xúc ấy là những cái bẫy mà bạn tưởng chừng như không thể thoát ra. Có những khi, bạn còn không nhận thức được rằng mình đang bị đánh bẫy. Bạn cứ ở đó, nhầm tưởng rằng nỗi đau, sự giận dữ, nỗi căm ghét là chính bản thân mình, và để những cảm xúc ấy đày ải, dần ăn mòn bản thân.

Đức Phật dạy: “Nuôi cái giận trong lòng thì khác nào uống thuốc độc mà trông chờ người khác chết”. Khi nghe lời dạy này, tôi thường cảm thấy có gì đó không đúng: Tôi không nuôi cái giận. Mọi người đối xử không tốt với tôi và tôi có quyền giận. Điều đó là cảm xúc tự nhiên, thật giả dối và sáo rỗng nếu bảo tôi hãy khoan dung đi, hãy tha thứ đi. Vì cảm xúc tức giận vẫn ở đó, không thể dùng lí trí ép nó lắng xuống hay phủ nhận nó được. Những kĩ thuật trì hoãn để làm nguội cảm xúc cũng không thể giải quyết tận gốc vấn đề vì cơn giận có thể bùng lên bất kì lúc nào, và cứ thế, cứ thế.

Đương nhiên, Đức Phật không hề sai. Chỉ là tôi không nhận ra mình đang quanh quẩn trong bẫy cảm xúc của chính mình.

Trong cuốn sách “Thoát khỏi bẫy cảm xúc”, Daniel Rutley đã giúp tôi hiểu nguyên nhân vì sao chúng ta không thể thoát khỏi cảm xúc tiêu cực của chính mình. Đó là bởi chúng ta định hướng sai, chúng ta cho rằng người khác, hoàn cảnh là nguyên nhân cảm xúc của mình, nhưng thực tế, chính bản thân ta mới là nguyên nhân của những cảm xúc đó.

Ý tưởng này là cốt lõi của toàn bộ cuốn sách, được xây dựng trên lý thuyết cảm xúc 3 giai đoạn. Những hiệu ứng cảm xúc bạn có đến từ ba giai đoạn:

Giai đoạn 1 – Sự kiện châm ngòi: Một sự kiện trong cuộc sống kích thích đến bạn, châm ngòi cho cảm xúc của bạn.

Giai đoạn 2 – Hệ thống niềm tin: Hệ thống niềm tin, giá trị đạo đức, quy tắc ứng xử của bạn. Hệ thống niềm tin này sẽ xử lý thông tin của sự kiện châm ngòi và quyết định cảm xúc bạn có.

Giai đoạn 3 – Hiệu ứng cảm xúc: Những cảm xúc cụ thể như vui, buồn, giận dữ, căm ghét…

Lý thuyết này giúp chúng ta hiểu được tại sao cùng một sự việc xảy ra, nhưng cảm xúc của mỗi người xung quanh sự việc ấy rất khác nhau.

Đến lúc này, chắc bạn cũng nhận ra, những suy nghĩ như kiểu: “Tôi giận dữ vì cô A đối xử tệ với tôi” thực ra không chính xác.

Trong suy nghĩ này, việc cô A đối xử không tốt với bạn chính là sự kiện châm ngòi, nhưng nó không phải nguyên nhân cho sự giận dự. Nguyên nhân sự giận dữ nằm ở hệ thống niềm tin của bản thân bạn, có nghĩa là, chính bạn mới là nguyên nhân cho những cảm xúc ấy.

Khi nhận ra bản thân mình mới là nguyên nhân cho những cảm xúc của mình, tức là bạn đã có chìa khóa để thay đổi những cảm xúc ấy, một chiếc chìa khóa vàng để thoát khỏi bẫy cảm xúc.


Làm thế nào để thoát khỏi bẫy cảm xúc?

Như vậy, trọng tâm của cuốn sách “Thoát khỏi bẫy cảm xúc” chính là giúp bạn nhận ra những niềm tin sai và điều chỉnh những niềm tin sai ấy, từ đó sẽ hóa giải được những hiệu ứng cảm xúc tiêu cực mà niềm tin sai lạc gây ra.
Ý tưởng này, đối với tôi là khá mới mẻ. Vì trước đây tôi luôn nghĩ cảm xúc là chuyện của trái tim, suy nghĩ là chuyện của trí óc, hình như không dính dáng đến nhau lắm. Nhưng đó là một quan niệm sai lầm, và dễ dàng khiến tôi rơi vào những cạm bẫy cảm xúc.

Thực ra, những niềm tin sai lạc sẽ tiền giả định và kéo theo những niềm tin sai lạc đó. Mắc kẹt trong những niềm tin sai lạc ấy cũng chính là mắc kẹt trong rất nhiều hiệu ứng cảm xúc tiêu cực.

Ví dụ, một suy nghĩ khiến tôi khổ sở trong thời gian dài:

“Sự tức giận của tôi là do những hành động tồi tệ của cô ta”

Tôi không thể có cảm giác tha thứ, và không thể làm bản thân mình nhẹ nhõm, là bởi vì cảm xúc này. Nhưng chuyện không chỉ như thế, mà ẩn dưới suy nghĩ này còn là nhiều niềm tin khác, khiến cho bản thân suy nghĩ ấy ăn sâu vào tâm trí tôi mà không thể gỡ ra được:

“Cô ta đã làm một hành động xấu với tôi” (Đúng)

“Những hành động xấu của cô ta khiến cho tôi bực mình” (Sai)

“Tôi cần sự hối cải của cô ta để có thể cảm thấy yên lòng” (Sai)

“Cô ta là kẻ xấu xa vì những hành động đó và cô ta cần phải bị trừng phạt vì nó” (Sai)

“Tại sao việc này lại xảy ra với tôi, tôi đã luôn sống tốt với mọi người, thậm chí tốt với cô ta, tôi không đáng bị đối xử như vậy” (Sai)

Cuốn sách hướng dẫn tôi đào sâu vào hệ thống niềm tin ẩn dưới suy nghĩ tiêu cực và từ từ gỡ bỏ chúng ra.

“Cô ta đã làm một hành động xấu với tôi” (Đúng) – Đây là sự kiện có thực đã xảy ra, nếu tôi thất vọng vì hành động ấy thì đó cũng là chuyện bình thường.

“Những hành động xấu của cô ta khiến cho tôi bực mình” (Sai) – Suy nghĩ này không đúng bởi vì hành động xấu của cô ta chỉ là sự kiện châm ngòi, còn cảm thấy thế nào là do sự quyết định của tôi.

“Tôi cần sự hối cải của cô ta để có thể cảm thấy yên lòng” (Sai) – Cũng như trên, hành động hối cải của cô ta nếu có cũng chỉ là một sự kiện châm ngòi, tôi có thể tự điều chỉnh cảm xúc để cảm thấy yên lòng mà không cần đến sự kiện ấy.

“Cô ta là kẻ xấu xa vì những hành động đó và cô ta cần phải bị trừng phạt vì nó” (Sai)– Hành động của một người không nói lên giá trị của người đó. Cô ta có thể có nhiều hành động tốt với những người khác và chỉ một số hành động xấu với tôi, điều đó không nói lên cô ta là người tốt hay người xấu. Bên cạnh đó, việc nài ép “cô ta phải bị trừng phạt” là không thực tế, nhất là đây chỉ là chuyện cá nhân.

“Tại sao việc này lại xảy ra với tôi, tôi đã luôn sống tốt với mọi người, thậm chí tốt với cô ta, tôi không đáng bị đối xử như vậy” (Sai) – Tại sao việc này không thể xảy ra với tôi? Cuộc đời vốn dĩ không trắng đen rõ ràng như cổ tích, tại sao cứ phải mong điều tốt đến với mình? Rõ ràng, mong chờ ở hiền gặp lành là thiếu thực tế và suy nghĩ đó rất dễ đẩy ta vào sự thất vọng, tổn thương.

Sau khi bứng rễ từng chút một cái cây tức giận, thì tôi đã cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Tôi đã đọc nhiều cuốn sách khác trước đây về việc tháo bỏ sự giận dữ, nhưng cuốn sách “Thoát khỏi bẫy cảm xúc” là hiệu quả nhất với tôi. Một phần do đặc điểm tính cách: tôi thường dõi theo những suy nghĩ của mình và đánh giá chúng. Một phần do cách tiếp cận vấn đề của tác giả: Rất cụ thể, thiết thực và có thể luyện tập để thành thục. Cuốn sách chú ý vào ba cạm bẫy phổ biến ta thường gặp: (1) cạm bẫy nài ép; (2) cạm bẫy phóng đại; (3) cạm bẫy giá trị và cách chúng ta nhận diện cũng như thay đổi từng niềm tin sai lệch dẫn đến những cạm bẫy ấy.

Hãy yêu thương bản thân mình mãi mãi

Đây là thông điệp xuyên suốt cuốn sách và nó khiến tôi cảm thấy yên lòng đọc hết 492 trang sách với những thông tin khoa học và những lập luận đầy logic. Thoát khỏi bẫy cảm xúc chính là cách bạn tìm lại sợi dây kết nối với bản thân mình, chữa lành những vết thương, và sau cùng, yêu thương bản thân mình một lần nữa, bây giờ và mãi mãi.

“Bây giờ hãy nhắm mắt lại và đi đến một nơi, một nơi trong tưởng tượng hoặc có thật, một nơi an toàn, ấm áp và thanh bình. Hãy cảm thấy thoải mái ở đó. Hãy nhìn xung quanh. Ở xa xa, có một đứa trẻ. Bạn hãy gọi nó lại gần. Đứa trẻ này là bạn khi còn nhỏ.

Hãy ngồi cùng nó và giải thích rằng bạn đến từ tương lai của nó và bạn quay lại để nói rằng mọi chuyện sẽ ổn; rằng bạn tha thứ cho đứa trẻ về những gì xảy ra và bây giờ nó an toàn và sẽ như vậy. Khen ngợi, tán dương và bằng một sự quả quyết, hãy cam đoan với đứa trẻ rằng mọi chuyền đều sẽ ổn”

Những cạm bẫy cảm xúc khuẩy động tâm trí chúng ta hằng ngày, nhấn chìm ta trong nỗi đau và khiến ta mất kết nối với đứa trẻ bên trong mình. Thì đây, thông qua cuốn sách này, bạn sẽ tìm thấy một phương pháp hữu hiệu để tái kết nối và tìm thấy tình yêu thương với chính mình.

Còn nhiều điều hay về cuốn sách mà trong khuôn khổ bài giới thiệu này tôi không thể nói hết được. Xin nhường những điều thú vị ấy cho các bạn tự khám phá.

“Hy vọng bạn sẽ được vui vẻ, không phải chỉ là ở lúc này, mà là cả cuộc đời”


Trần Lê Duy


THÔNG TIN SÁCH

Tên sách:
Thoát khỏi bẫy cảm xúc

Tác giả:Daniel Rutley

Dịch giả:Tạ Thanh Hải

Công ty sách:Alphabooks

Xuất bản:NXB Khoa học xã hội

#gioithieusach_Blogchuyenvan
#tusachtamly_blogchuyenvan

Đăng nhận xét