Search Suggest

Giáo viên nhận xét đề Toán minh họa lần 2 của Bộ

Đề minh họa lần 2 môn Toán cho kì thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đã được Bộ GD-ĐT công bố vào chiều hôm qua. Trong các bài viết trước đã đăng đề thi, bảng đáp án và lời giải, ma trận và cấu trúc.

Bài này sẽ đăng tải ý kiến nhận xét của một số giáo viên dạy môn Toán về đề thi minh họa lần 2.

Ít câu phân hóa nhưng phù hợp với tình hình thực tế

Thầy Lê Phong Phú, trường THPT Châu Văn Liêm, TP Cần Thơ, cho rằng số câu hỏi phân hóa trong đề tốt nghiệp THPT ít hơn đề thi THPT quốc gia, nhưng có thể làm căn cứ để các đại học xét tuyển.

Đề thi gồm 45 câu hỏi (90%) nằm trong chương trình lớp 12 và 5 câu hỏi (10%) thuộc lớp 11. Có 6 chủ đề thuộc chương trình lớp 12 được đặt ra gồm: Ứng dụng đạo hàm để khảo sát và vẽ đồ thị của hàm số (12 câu); Hàm số lũy thừa, hàm số mũ và hàm số lôgarit (9 câu); Nguyên hàm, tích phân và ứng dụng (5 câu); Số phức (5 câu); Khối đa diện (3 câu); Mặt nón, mặt trụ, mặt cầu (5 câu); Phương pháp tọa độ trong không gian (6 câu).

Chương trình lớp 11 có ba chủ đề được nhắc đến là: Dãy số và giới hạn (1 câu); Tổ hợp-Xác suất (2 câu); Góc và khoảng cách trong không gian (2 câu).

Trong 45 câu hỏi thuộc chương trình lớp 12, có 16 câu thuộc nội dung chương trình học kỳ II, hầu hết đều ở mức độ nhận biết và thông hiểu; còn Toán 11 thì không có câu hỏi nào ở mức độ vận dụng cao.

"Với việc giảm độ khó, giảm tỷ trọng câu hỏi khó, đề thi này đã phù hợp với thực tế dạy và học, với mục tiêu xét tốt nghiệp THPT. Học sinh khá, giỏi vẫn có thể được phân loại bằng đề thi tham khảo này", thầy Phú nói.

Thầy Hà Văn Thắng, trường THPT Ngô Sỹ Liên, Bắc Giang, đánh giá đề thi bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của môn Toán cấp THPT. Mạch kiến thức được sắp xếp theo tuyến tính của chương trình, từ lớp 11, đến học kỳ I rồi học kỳ II lớp 12. Bố cục này tạo điều kiện cho học sinh, giáo viên dễ hình dung nội dung kiến thức cần thiết, trọng tâm, để từ đó ôn tập hiệu quả cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020.

Dễ xảy ra cơn "mưa điểm cao" ở môn Toán


Thầy Trần Mạnh Tùng - giáo viên dạy Toán tại trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, đề thi minh họa môn Toán kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 mà Bộ GD-ĐT vừa công bố dễ nên phổ điểm sẽ cao, phù hợp để xét tốt nghiệp nhưng việc tuyển sinh của các trường sẽ gặp khó.

Về mức độ, thầy Tùng nhận xét đề lần này dễ hơn lần 1 khá nhiều; Các câu hỏi ngắn, trơn tru số lượng tăng lên. Có đến 40 câu ở mức độ cơ bản. Học sinh khá giỏi có thể làm rất nhanh (Tầm 40 - 45 phút).

Phân hóa theo hình thức: 8 + 1 + 1: 40 câu đầu cơ bản, đơn giản, ở mức 1, 2 (nhận biết, thông hiểu); 5 câu tiếp theo phân hóa nhẹ, ở mức 3 (vận dụng); Còn 5 câu cuối phân hóa mạnh, mạnh hơn cả lần 1, ở mức 4 (vận dụng cao).

Với đề thi này, học sinh trung bình có thể đạt 6, 7 điểm; Học sinh khá có thể đạt 7, 8 điểm; Học sinh giỏi có thể đạt 8, 9 điểm. Còn học sinh lực học Toán tốt, kiến thức chắc, kỹ năng nhanh có thể đạt 10 điểm.

Đánh giá chung về đề minh họa Bộ GD-ĐT vừa công bố, thầy Tùng cho rằng, rất dễ xảy ra "mưa điểm cao" như năm 2017; Đề phù hợp với xét tốt nghiệp, nhẹ nhàng, đơn giản, thuận tiện cho học sinh ôn thi tốt nghiệp; Đề sẽ gây khó khăn cho việc xét tuyển đại học, khi mà đa số các trường vẫn sử dụng kết quả này để tuyển sinh.

Khả năng các trường sẽ phải sử dụng nhiều tiêu chí phụ: Yêu cầu điểm thành phần, yêu cầu điểm phẩy của học bạ,...

Thầy Trần Mạnh Tùng cũng khuyên các em học sinh lớp 12 ổn định tư tưởng vì mọi thứ gần như năm 2019 nên không được chủ quan; Phải học chắc kiến thức cơ bản; Nâng cao phù hợp (nên có sự hướng dẫn của giáo viên). Tránh sa đà các vấn đề quá khó, phức tạp; Rèn luyện kỹ năng tính toán nhanh, cẩn thận; Tích cực làm đề thi thử (theo form đề lần 2); Có kế hoạch cá nhân cụ thể, rõ ràng và nghiêm túc làm theo kế hoạch; Chủ động tham khảo thông tin để có cách làm phù hợp.

Theo VNE, BVPL. Tổng hợp: Dịu Nguyễn.

Đăng nhận xét