Search Suggest

Bài thơ anh, anh làm một nửa mà thôi...

 


      “Thời gian qua kẽ tay

        Làm khô những chiếc lá

        Kỉ niệm trong tôi

        Rơi

             như tiếng sỏi

                                 trong lòng giếng cạn

        Riêng những câu thơ

        Còn xanh…”

                                                (Thời gian, Văn Cao)

Vượt qua mọi định luật của sự băng hoại, thơ ca vẫn bất hủ cùng thời gian. Vậy phải chăng lý do khiến thơ mãi “còn xanh”, đó là vì nó là các tác phẩm được thi nhân viết nên bằng cây bút của những rung dộng tinh tế cùng với màu mực hiện thực? Đúng thế, cái hạt giống của thơ chỉ nảy mầm được trong trái tim độc giả nếu nó được nuôi dưỡng trong chất đất chứa hiện thực cuộc sống và những cảm xúc chân thành của người nghệ sĩ. Nhà thơ Chế Lan Viên cũng tâm niệm như vậy:

      “Bài thơ anh, anh làm một nửa mà thôi

        Còn một nửa cho mùa thu làm lấy”

Thơ ca là một sợi dây vô hình nối liền trái tim người nghệ sĩ với độc giả của anh, nhưng đó phải là thơ phát khởi từ xúc cảm người viết và thực tại cuộc sống. Như vậy, với Chế Lan Viên, “bài thơ anh, anh làm một nửa” đã khẳng định tầm quan trọng của những rung động tinh tế cần có trong tâm hồn người cầm bút. Anh làm thơ bằng trái tim của anh, nhưng đó phải là một trái tim biết vui cái vui và buồn cái buồn của đồng loại, đó phải là một trái tim biết yêu cái đẹp, cái cao thượng và hờn cái xấu xa, cái đê tiện. Một trái tim có xúc cảm còn là một trái tim đa cảm, nó biết hân hoan trước những niềm vui, nó biết đau buồn trước những sự sầu thảm. Bên cạnh đó, đó còn là trái tim đủ tinh tế để cảm nhận những biến chuyển, dù là nhỏ nhất, đang xảy ra xung quanh mình. Nói như Thạch Lam, một nhà thơ có một trái tim rung cảm sẽ “cảm nhận mọi vẻ đẹp man mác của vũ trụ”.

Và “một nửa cho mùa thu làm lấy” là sự thừa nhận việc cái chất hiện thực đang góp phần làm nên thơ. Cuộc sống tồn tại trong thơ khi nó được chính thơ phản ánh. Khi đó, thơ khám phá bản chất và các khía cạnh của cuộc sống. Thơ đi sâu vào cuộc sống, hay nói khác hơn là nó đi sâu vào số phận, phẩm chất và bản chất con người. Nó khai thác đời tư và tâm hồn con người, đồng thời còn đề cập đến những vấn đề nhân bản có tính chất muôn thuở như khát vọng hạnh phúc hay cuộc đấu tranh giữa thiện và ác trong mỗi con người. Hiện thực đi vào trong thơ ca, để thơ ca lý giải nó, để thơ ca đặt ra những câu hỏi và đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi đó, từ đó đề xuất một hướng đi cho cuộc sống. Như vậy, hai câu thơ của Chế Lan Viên khẳng định rằng một bài thơ hoàn chỉnh chỉ ra đời dưới sự kết hợp của cảm xúc nhà thơ và hiện thực đời sống. Trái tim của nhà thơ và cuộc sống là hai thi liệu cần thiết cho công cuộc sáng tạo, và chính chúng sẽ cùng nhau tạo nên một tác phẩm lớn, một chỉnh thể thẩm mĩ có sức sống lâu bền.

Nhận định của Chế Lan Viên là hoàn toàn đúng đắn, cốt lõi của thơ không thể nào khác hơn ngoài cái tình của người nghệ sĩ và cái hiện thực cuộc sống. Trước nhất, ta không thể phủ nhận sự hiện hữu của cảm xúc như một thi liệu cần thiết trong quá trình sáng tác. Khi một người nghệ sĩ đặt tình cảm vào trong công việc anh ta làm thì rõ ràng những cảm xúc của anh sẽ cho anh cảm hứng sáng tạo. Mà hơn hết, cảm hứng sáng tạo đóng vai trò như một cầu nối giữa tư tưởng tác giả và hình tượng tác phẩm. Anh đang suy tư điều gì, trăn trở điều gì, cảm hứng sáng tạo sẽ giúp anh chuyển hóa tư tưởng vào tác phẩm của mình, vì cảm hứng luôn là linh hồn của hình tượng. Nhà văn Nam Cao từng nói: “ Sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện”. Vậy phải chăng nếu thơ không có cảm hứng, hay nói rộng hơn là thơ không có cảm xúc thì chỉ là một thứ thơ hời hợt, một thứ văn chương “đê tiện”? Chính vì thế, thơ luôn cần phải gắn liền với những rung động tinh tế của người nghệ sĩ để tư tưởng của anh được thể hiện rõ ràng trong mọi tác phẩm. Thêm vào đó, thơ cần cảm xúc để mỗi khi người đọc đọc tác phẩm, họ cảm thấy như đang soi bóng mình, họ bắt gặp mình, họ bắt gặp đồng loại của mình. Nhưng thơ như thế nào mới được nhân loại thừa nhận? Đó nhất định không thể là một thứ thơ vô hồn, nhạt thếch mà khi độc giả đọc nó họ không cảm nhận được thế nào là hỉ, nộ, ái, ố. Đối tượng phản ánh của văn học bao đời nay vẫn luôn là con người, như Nguyễn Văn Siêu tâm niệm rằng loại văn chương đáng thờ là loại “chuyên chú ở con ngươi”. Vậy nếu văn chương không “chuyên chú ở con người” thì văn chương sẽ là gì? Trái tim độc giả luôn là đích đến của người nghệ sĩ, nhưng trái tim độc giả chỉ đón nhận thơ của anh khi chính anh cũng viết thơ bằng trái tim mình. Thơ bắt buộc phải có cảm xúc, trước nhất là để độc giả có cảm xúc trong quá trình tiếp nhận. Nếu người nghệ sĩ viết về một nỗi đau nhưng chính anh lại chẳng đau trước cái nỗi đau ấy thì cớ chăng độc giả lại phải đau? Người đọc không có khả năng hân hoan hay buồn khổ trước những niềm vui, những cái u sầu nếu chính người nghệ sĩ không đưa cảm xúc riêng vào tác phẩm của anh. Chỉ khi thơ chứa đựng xúc cảm của người nghệ sĩ thì độc giả mới dễ dàng đồng điệu với nhà thơ, họ hiểu rằng anh đang lo âu điều gì, khát khao điều gì. Tố Hữu từng nói: "Thơ là chuyện đồng điệu", mà để người nghệ sĩ và độc giả có sự đồng điệu trong tâm hồn thì những rung động của người viết trong thơ không thể là thứ yếu. Và chính cái tình của người nghệ sĩ đồng thời là động lực thúc đẩy cái tài của anh. Với Raxul Gazatov thì: “Tài năng bắt nguồn từ những tình cảm mạnh mẽ nhất của con người”. Vì khi tình cảm bắt rễ trong tim anh, anh mới thực sự hiểu được chính mình, hiểu được các tác phẩm của anh đang hướng tới điều gì, từ đó anh biết cách sử dụng tài năng của mình. Cái tài của người nghệ sĩ là quan trọng, và cái tình của anh cũng quan trọng không kém. Nếu anh có tài nhưng trái tim anh lạnh buốt thì dù thơ anh có đẹp đến đâu, hoa mỹ đến đâu thì chúng vẫn cứ trống rỗng, vô hồn. Bởi thế, không thể phủ nhận rằng cái tình của người nghệ sĩ là cần thiết để cái tài của anh được tỏa sáng. Nguyễn Khải từng nói: “Tình cảm của người viết là khâu đầu tiên và khâu sau cùng trong quá trình xây dựng một tác phẩm như thế nào”. Tình cảm nhà thơ tham gia vào mọi công đoạn trong quá trình sáng tạo, chính vì thế nếu thiếu những rung động tinh tế ấy thì thơ sẽ không còn là thơ nữa.

Bên cạnh cảm xúc người viết, chất liệu từ cuộc sống cũng góp phần tạo nên thơ ca. Trước hết, cuộc đời là mảnh đất màu mỡ để gieo trồng hạt giống thi ca. Cuộc sống luôn cho thi nhân nguồn cảm hứng bất tận, như Andersen tâm niệm: “Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp hơn câu chuyện do chính cuộc sống viết ra”. Bởi chính sự muôn vẻ của nó, hiện thực không khi nào là không đóng vai trò như một cái nôi nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo. Những câu chuyện cuộc sống bao giờ cũng là những câu chuyện đẹp nhất và chúng sẽ cho nhiều đề tài phong phú để thi nhân thỏa mình khai thác và sáng tác. Như Nguyễn Khuyến đã tinh tế thưởng thức cảnh mùa thu ở quê hương, và tái hiện lại nó vào “Thu điếu”:

      “Sóng biếc theo làn hơi gợn tí

        Lá vàng trước gió khé đưa vèo”

Chính Chế Lan Viên cũng thừa nhận rằng: “Những ngày tôi sống đây là những ngày đẹp hơn tất cả”. Một trong những lý do khiến nhà thơ cảm thấy cuộc sống quanh ông thật đẹp phải chăng vì nó cho ông vật liệu sáng tạo đặc sắc? Bên cạnh đó, người nghệ sĩ phản ánh hiện thực như một cách để anh tự làm giàu vốn sống và tài năng của mình. Người nghệ sĩ muốn viết về cuộc sống, tức là anh phải đi sâu vào nó để thực sự hiểu được nó. Và trong quá trình ấy anh thu nhập thêm nhiều kiến thức, đồng thời anh có cơ hội trải nghiệm, để vốn sống và tài năng của mình được trải qua “lửa thử vàng”, tức là trong quá trong quá trình tìm kiếm nguồn cảm hứng từ mảnh đất hiện thực, người nghệ sĩ đã tự làm nên trong mình một cuộc sống tràn đầy, nghĩa là anh đã hình thành tư tưởng và tình cảm, đủ để sáng tác nên những tác phẩm bất hủ. Thêm vào đó, khi chất liệu hiện thực góp mặt trong quá trình làm nên thành phẩm sáng tạo thì chính nó cũng hình thành và định hướng tư tưởng. Mà hơn hết, tư tưởng lại đóng vai trò như một yếu tố quyết định tầm vóc nhà thơ và tác phẩm của anh. Nguyễn Khải từng nói: “Giá trị của một tác phẩm trước hết là ở giá trị tư tưởng của nó”. Vậy làm cách nào để giá trị tư tưởng xuất hiện trong thơ? Thơ hình thành tư tưởng trong quá trình người nghệ sĩ đào sâu vào cuộc sống và đặt ra những câu hỏi mang tính nghệ thuật, mà tư tưởng của anh sẽ được định hướng đúng đắn khi anh tìm ra được câu trả lời cho những câu hỏi đó. Tư tưởng là một điều thiết yếu trong một thành phẩm sáng tạo, mà tư tưởng lại chỉ đến khi người nghệ sĩ tập trung khai thác cuộc sống, chính vì vậy thơ phải gắn liền với hiện thực. Ngoài ra thơ cần phản ánh cuộc sống vì chính nó cần bám sát hiện thực. Nếu ví thi ca như một con diều thì vật liệu hiện thực sẽ là sợi dây diều, nó sẽ là cái khuôn cho các tác phẩm văn học. Cảm hứng sáng tạo là điều cốt yếu trong quá trình sáng tác , nhưng hiện thực cuộc sống cũng là điều quan trọng không kém. Vì chính cái chất hiện thực sẽ định hình cảm hứng sáng tạo. Nếu một tác phẩm chỉ đơn thuần ra đời từ cảm hứng sáng tạo, nó nhất định sẽ là một tác phẩm viển vông, không đem đến bất kỳ một giá trị nào vì chính nó đã xa rời hiện thực. Một tác phẩm chỉ có thể là một “tác phẩm chung cho cả loài người” (Nam Cao) khi chính nó phải đề cập đến những vấn đề xung quanh con người. Puskin từng nhấn mạnh: “Nghệ thuật là sự mô phỏng tự nhiên”, như vậy thơ phản ánh hiện thực vì chính nó phải là. Mặt khác, Thạch Lam cho rằng: “Văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối, tàn ác”. Vậy nếu thơ cứ mãi xa rời thực tại thì làm sao thơ có thể tố cáo và thay đổi thực tại? Nếu thơ cứ mãi trốn tránh thế giới mà sống trong cõi riêng thì làm sao thơ có thể tạo ảnh hưởng lên thế giới? Thơ sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ của nó, đó là trở thành “một thứ khí giới thanh cao và đắc lực” nếu nó không chứa yếu tố hiện thực. Song song, thơ phải phản ánh được cuộc sống vì đó chính là nhiệm vụ vủa người nghệ sĩ. Người nghệ sĩ không thể đến đến cho người đọc “sự thoát li hay sự quên” (Thạch Lam) mà trái lại anh phải đưa vật liệu hiện thực vào thành phẩm sáng tạo, để người đọc có “bài học trông nhìn và thưởng thức” (Thạch Lam). Với Balzac thì: “Nhà văn phải là người thư ký trung thành của thời đại”, vì hơn bất kỳ ai hết, nhà văn phải nói lên được niềm hạnh phúc, nỗi khổ đau, cái cao thượng, sự hèn yếu xung quanh con người. Như vậy, nhà thơ phải sử dụng chất liệu lấy ở thực tại như chính anh phải làm. Nói như Tố Hữu: “Cuộc đời là nơi xuất bản cũng là nơi đi tới của văn học”, bởi thế không thể phủ nhận rằng cuộc sống cho người nghệ sĩ nguồn cảm hứng sáng tác, nhưng đồng thời cuộc sống còn là một trong những đối tượng phản ánh chính của thơ.

Thi sĩ Xuân Diệu khẳng định: “Thơ là hiện thực, thơ là cuộc đời”, thật vậy, cuộc sống xung quanh luôn tồn tại vô số đề tài để thi nhân khai thác. Và chính Xuân Diệu cũng cảm nhận được những biến thái tinh vi của cuộc sống, từ đó ông có cảm hứng để miêu tả vẻ đẹp cuộc sống thật rực rỡ trong “Vội vàng”:

      “Của ong bướm này đây tuàn tháng mật

        Này đây hoa của đồng nội xanh rì

        Này đây lá của cảnh tơ phơ phất

        Của yến anh này đây khúc tình si

        Và này đây ánh sáng chớp hàng mi”

Trong đoạn thơ, với sự kết hợp giữa điệp ngữ “này đây” và phép liệt kê, nhà thơ đã kể ra và nhấn mạnh vẻ đẹp của các chi tiết tồn tại trong cuộc sống xung quanh ông. Đồng thời, Xuân Diệu đã đắm mình vào cảnh sắc thiên nhiên, ông sử dụng mọi giác quan để tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp cuộc sống, từ ngắm nhìn ong, bướm, hoa, lá, ánh sáng cho đến lắng nghe tiếng yến anh líu lo. Mùa xuân trong “Vội vàng” của Xuân Diệu hiện lên mơn mởn xanh, tươi tắn và rạo rực nhưng đồng thời lại rất gần gũi, rất thật. Trong “thi nhân Việt Nam”, nhà phê bình văn học Hoài Thanh viết: “Xuân Diệu đốt cảnh Bồng Lai và xua ai nấy về hạ giới”, Xuân Diệu nhận ra rằng không có gì đẹp hơn những thứ xung quanh mình, vì thế thi nhân đã sử dụng chúng như một thi liệu trong quá trình sáng tác. Khi miêu tả vẻ đẹp thiên nhiên, Xuân Diệu đã cho chúng ta thấy rằng cuộc sống này đây đẹp đẽ như thế nào, và chính cái đẹp ấy sẽ là nguồn cảm hứng sáng tác bất tận. Chỉ có khi thơ đề cập đến yếu tố đời thực thì thơ mới vừa lãng mạn, thi vị, lại cũng rất chân thực.

Bạch Cư Dị cho rằng: “Tình cảm là cái gốc của văn chương”, đúng thế, thơ chỉ có thể bắt rễ từ một trái tim biết rung động, như thế, không thể phủ nhận rằng bên cạnh hiện thực, tình cảm đồng thời là một vật liệu cấu thành nên thành phẩm sáng tạo. Vì lẽ đó, tồn tại song song với bức tranh thiên nhiên trong “Vội vàng” là tâm trạng lo lắng, phấp phỏng trước một thời gian trôi chảy của nhà thơ:

      “Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua

        Xuân còn non nghĩa là xuân đã già

        Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất”

“Xuân” được nhấn mạnh bằng biện pháp điệp ngữ, nhưng “xuân” ở đây không còn là mùa xuân của thiên nhiên nữa mà xuân ở đây chỉ tuổi trẻ con người, cùng với điệp ngữ “nghĩa là” thể hiện sự lo lắng, cuống cuồng của thi nhân trước bước đi thời gian. Ở đoạn thơ còn là những sự đối lập mạnh mẽ: “xuân đương tới-xuân đương qua”, “xuân còn non-xuân đã già” làm hiện hữu lên sự vụt trôi của thời gian, của đời người, “xuân hết-tôi cũng mất”. Chính nhà thơ cũng bày tỏ qua đây sự nuối tiếc trước bước đi thời gian, “tôi cũng mất”, vì nhà thơ yêu đời, yêu cuộc sống nên cái chết làm Xuân Diệu trăn trở hơn hẳn. Ông sợ rằng ông sẽ mất trước khi cảm nhận được trọn vẹn vẻ đẹp cuộc sống. Và chính sự lo lắng này của Xuân Diệu đã tạo nên cảm xúc cho “Vội vàng”, để tác phẩm có hồn hơn, nói như Hoài Thanh: “Đó là một hồn thơ tha thiết, rạo rực, băn khoăn”. Như vậy, chính tâm trạng của Xuân Diệu đã làm nên một nửa của “Vội vàng”, một “Vội vàng” đầy thấp thỏm và chứa đựng nhiều tâm tư.

Tóm lại, cái tình của người viết và hiện thực cuộc sống là hai chất liệu quan trọng trong quá trình hình thành thành phẩm sáng tạo, vì thế nó đòi hỏi người nghệ sĩ phải linh hoạt trong việc kết hợp hai vật liệu. Cả hai vật liệu đều nắm phần nửa của một bài thơ, chính vì thế nếu thiếu dù chỉ một trong hai yếu tố thì thơ sẽ không còn hoàn chỉnh. Như Chế Lan Viên từng nói: “Đừng cậy thời đại anh hùng nếu tâm hồn anh cứ bé”, thật thế, trước một cuộc sống tràn đầy, nhà thơ bắt buộc phải mở lòng mình ra, để trái tim mình cảm nhận được mọi trạng thái của cuộc sống. Nếu trái tim anh trống rỗng thì thơ anh sẽ cứ vô hồn, nếu tâm hồn anh khép kín thì thơ anh cứ sẽ thẳng đơ. Bên cạnh đó, Bielinxki cho rằng: “Văn chương sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả”, như thế nếu thơ chỉ đơn thuần nói về cuộc sống mà quên đi vật liệu xúc cảm thì đó cũng chỉ là thơ “chết”. Thơ không sao chép hiện thực như những công trình khoa học, điều làm thơ khác biệt hơn hẳn đó là khi nó chứa yếu tố cảm xúc. Với Nguyễn Đình Thi thì: “Tác phẩm lớn hấp dẫn người ta bởi cách nhìn nhận mới, tình cảm mới dành cho những điều, những việc mà ai cũng biết cả rồi”, vì thế nếu thơ chỉ biết là bản sao của cuộc sống, nó sẽ không có gì đặc sắc, mới mẻ, không thể “hấp dẫn người ta”. Nhìn chung, người nghệ sĩ phải biết kết hợp cả vật liệu từ trái tim mình và vật liệu từ hiện thực đời sống, phải biết “lượm lặt những hạt thơ trên luống đất của người dân cày, ấp ủ chúng nơi trái tim” (Pauxtopxki).

Chế Lan Viên có cái nhìn đúng đắn về quá trình sáng tác của người nghệ sĩ, đó là anh vừa phải đề cập đến tình cảm cá nhân vừa phải đề cập đến yếu tố đời thực trong tác phẩm của mình. Một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh chỉ có thể ra đời khi có đủ cả hai thi liệu trên, do đó đòi hỏi người nghệ sĩ phải có một trái tim nhạy cảm để biết rung động và một đôi mắt tinh tế để nhìn nhận được mọi biến thái tinh vi trong cuộc sống. Và đồng thời, độc giả phải cảm nhận tác phẩm bằng cả trái tim để thấy được cảm xúc của nhà thơ gửi gắm và vẻ đẹp cuộc sống mà anh miêu tả.

      “Anh chỉ mong câu thơ anh sống khỏi một đêm, có ích quá một ngày”

                                                                   (Chế Lan Viên, Thơ bình phương-Đời lập phương)

Người nghệ sĩ hoàn toàn có quyền tin rằng thơ anh sẽ góp mặt trong công trình thay đổi thế giới và thay đổi tâm hồn độc giả khi chính nó phản ánh hiện thực và chứa đựng cảm xúc của anh. Như vậy, hai câu thơ của Chế Lan Viên đã trở thành một kim chỉ nam cho nhà thơ trong quá trình sáng tác, đó là phải biết dung hòa cả hai thi liệu để tạo ra một tác phẩm đầy tính thi vị nhưng vẫn mang hơi thở thời đại.


#baiviethocsinh_blogchuyenvan#liluanvanhoc_blogchuyenvan

Đăng nhận xét