Search Suggest

NLXH | Nỗi sợ trên hành trình cuộc sống

 



🌿Giải đề | Nỗi sợ trên hành trình cuộc sống

🌿Đề bài:

NỖI SỢ
Người ta kể nhau nghe
Trước khi hòa vào biển
Dòng sông run rẩy sợ.

Nàng ngoái nhìn chặng đường đã qua
Từ đỉnh núi đến con đường gió lộng
Băng qua bao làng mạc, cánh rừng.

Trước mặt nàng giờ là biển rộng
Dấn thân vào
Mãi mãi chẳng còn ta
Dấn thân vào
Chắc chắn sẽ tan ra.

Nhưng chẳng có cách nào
Dòng sông không còn đường quay lại.
Chẳng ai có thể quay lại.
Vì quay lại là vô phương
Trong tồn tại.

Dòng sông phải đánh liều thôi
Thẳng trôi vào biển lớn
Bởi khi nàng dấn bước
Là phút giây nỗi sợ tiêu tan
Là khi nàng nhận ra
Mình chẳng hề tan biến trong đại dương
Mà chính nàng đã trở thành biển cả.

(Khalil Gibran, bản dịch của Nguyễn Thiên Ngân)

Từ bài thơ trên, anh (chị) hãy viết bài văn trình bày suy nghĩ về nỗi sợ trên hành trình cuộc sống.

🌿GỢI Ý THÂN BÀI

🏵️I. GIẢI THÍCH

- “Nỗi sợ”: cảm xúc, phản ứng tự nhiên của con người trước những mối nguy hiểm, đó có thể là sự hoảng loạn, sự chần chừ, sự e ngại…
- Trong bài thơ “Nỗi sợ”, nhà thơ Khalil Gibran đã dùng hình ảnh dòng sông để gợi tới hành trình cuộc sống của mỗi người.
+ Dòng sông sợ hãi, e dè không hoà vào biển rộng, bởi vì nàng sợ sẽ “tan ra”, “tiêu tan”. “Tan ra”, “tiêu tan” có thể hiểu là gặp những điều không hay, gặp khó khăn trắc trở, là bị huỷ diệt, đánh mất bản thân. Đó là nỗi sợ thường thấy khi dấn thân vào hành trình cuộc sống.
+Khi dòng sông vượt qua nỗi sợ để dấn bước, hoà vào đại dương, nàng nhận ra mình không tiêu tan, mà “chính nàng đã trở thành biển cả”  Khi vượt qua được nỗi sợ, người ta trưởng thành hơn, hoàn thiện bản thân mình để vươn đến những chiều kích lớn lao, vĩ đại của cuộc sống.
->Vấn đề nghị luận: Trong hành trình cuộc sống, nỗi sợ là tất yếu (1), nhưng ta cần vượt qua nỗi sợ để trưởng thành và vươn đến những giá trị cao đẹp của cuộc sống(2)

🏵️II. BÀN LUẬN – CHỨNG MINH

(1) Nỗi sợ là phản ứng tất yếu của cuộc sống, khi chúng ta đối diện với những thử thách lớn lao, những cuộc hành trình mình chưa từng biết đến (như cách dòng sông đứng trước biển cả). Nỗi sợ là phản ứng tự nhiên của con người, để giữ mỗi người chúng ta được an toàn. Tuy vậy, “Chẳng ai có thể quay lại/Vì quay lại là vô phương/Trong tồn tại”, bản chất cuộc sống là phát triển, tiến lên, nếu vì nỗi sợ mà cố gắng chống lại quy luật ấy, chúng ta sẽ rơi vào bi kịch đời thừa, để đời trôi qua vô nghĩa.

(2) Nhưng khi vượt qua nỗi sợ, chúng ta sẽ hoàn thiện bản thân, dần trưởng thành và hiểu được những giá trị lớn lao của cuộc sống, (như cách dòng sông trở thành biển cả):

+ Vượt qua nỗi sợ, ta sẽ nhận ra những tiềm năng của bản thân, từ đó phát triển được tài năng, phẩm chất.
+ Vượt qua được nỗi sợ, ta có can đảm dấn thân để trải nghiệm, từ đó có vốn sống phong phú, mở rộng hiểu biết.
+ Vượt qua được nỗi sợ, ta có can đảm lên tiếng cho điều đúng, cho lẽ phải, cho cái thiện, để từ đó mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn.
+Vượt qua được nỗi sợ, ta dám vượt lên những nghi ngờ của bản thân với người khác, với cuộc sống, từ đó phá vỡ rào cản giữa người với người, để gắn kết hơn với những người xung quanh.
+…
(Học sinh triển khai các lí lẽ và chọn dẫn chứng phù hợp để làm sáng tỏ ý kiến của mình).

🏵️III. MỞ RỘNG

- Vượt qua nỗi sợ không phải là chối bỏ nỗi sợ, mà là dám đối diện với nỗi sợ của bản thân, thấu hiểu những nỗi sợ ấy, vượt qua những ám ảnh và rào cản vô nghĩa để phát triển. Bởi vì nếu chối bỏ nỗi sợ, ta sẽ dễ dàng rơi vào nguy hiểm bởi nỗi sợ chính là những phản xạ cần thiết để giữ chúng ta được an toàn.

- Có những nỗi sợ cần vượt qua để phát triển, vươn lên, nhưng cũng có những cái sợ con người cần giữ để bảo toàn nhân cách: như cái sợ “phụ một tấm lòng trong thiên hạ” của Huấn Cao, cái sợ làm điều xấu, điều ác…

🏵️VI. PHÊ PHÁN

- Những người để nỗi sợ lấn át, dẫn đến không dám sống, không dám khẳng định bản thân, sống đời vô nghĩa.

🏵️V. LIÊN HỆ BẢN THÂN

- Suy nghĩ của em về nỗi sợ?
- Em sẽ làm gì để vượt qua nỗi sợ của bản thân trong cuộc sống hằng ngày?

🌿Đề và gợi ý giải: THẦY TRẦN LÊ DUY

#nghiluanxahoi_blogchuyenvan

Đăng nhận xét