Search Suggest

Bài viết | Những cuộc đối thoại trong văn học

 


        Đề bài: Giáo sư Huỳnh Như Phương cho rằng:

“Mỗi lần đọc là một lần khám phá ra thế giới nghệ thuật ở chiều sâu như nguồn nước không ngừng tuôn trào của nó. Đó thực chất là một cuộc đối thoại giữa lịch sử và hiện tại, giữa thế hệ hôm qua và hôm nay, giữa nền văn hóa này với một nền văn hóa khác.”

          Bằng sự trải nghiệm của bản thân, anh chị hãy trình bày suy nghĩ về những cuộc đối thoại trong văn học

                                              Bài làm

Lorca yêu quý, người từng nói: “khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn”…

Nhưng thanh âm ấy chưa bao giờ lặng im, tiếng đàn vẫn mãi ngân nga trong con người Tây Ban Nha mỗi bình minh đến.

Bởi nghệ thuật không phải sinh ra để chờ đợi ngày hòa tan vào cát bụi. Nghệ thuật là một điều kỳ lạ mà giáo sư Huỳnh Như Phương nghĩ suy: “Mỗi lần đọc là một lần khám phá ra thế giới nghệ thuật ở chiều sâu như nguồn nước không ngừng tuôn trào của nó. Đó thực chất là một cuộc đối thoại giữa lịch sử và hiện tại, giữa thế hệ hôm qua và hôm nay, giữa nền văn hóa này với một nền văn hóa khác”. Tiếng ghi-ta của Lorca sống mãi, có lẽ vì nó đọng lại trong lòng người, cuộc đối thoại muôn đời. 

Khi cuộc sống dần lặng im bởi tình người lạnh lẽo, những tác phẩm văn học vẫn nhịp nhàng thoi đưa thứ thanh âm, không cầu kỳ như khúc nhạc đêm vũ hội, mà say mê bởi chất đời của tiếng nói đối thoại. Huỳnh Như Phương với bao lần trầm mình vào trang văn hiểu rằng: thưởng thức tác phẩm là tìm đến cái mạch nguồn sâu thẳm, nơi dòng suối của những tư tưởng, cảm xúc ồ ạt tuôn trào. Song giáo sư đã gọi tên, khái quát hóa chiều sâu ấy không gì khác chính là bản chất của những cuộc đối thoại. Đó là cuộc đối thoại văn chương mang tính rộng mở, kết nối giữa “lịch sử và hiện tại”, giữa “thế hệ hôm qua và hôm nay”, giữa “nền văn hóa này với một nền văn hóa khác”. Suy cho cùng, Huỳnh Như Phương đã chỉ ra điều quan trọng, vừa là bản chất của văn học, vừa là yêu cầu cho quá trình sáng tác và tiếp nhận: hãy để mỗi tác phẩm là tiếng nói cất lên giữa người với người, vượt qua mọi lằn ranh của thời gian.

Những cuộc đối thoại, tiếng đàn ơi, hãy cứ mãi ngân vang…

Đứng trước một quãng trời xanh, người ta khó tránh khỏi niềm xao động bồi hồi, trước một tác phẩm hay, người ta khó tránh khỏi mong muốn buông lời yêu thương. Sự đối thoại âu là điều tất yếu trong văn chương, nó cho thấy độc giả đã trải qua những gì và khao khát điều gì khi khép lại tác phẩm. Những giọt nước mắt hãy còn nóng hổi, khi dư âm còn vương tơ nơi trái tim, người đọc khát khao đối thoại như muốn khắc vào cái trụ trời vĩnh cửu của Tạo hóa, lời tri âm đến người cầm bút. Nguyễn Tuân đã bộc bạch cảm nhận khi đọc văn Thạch Lam “ tôi cứ nghĩ như đó là một người tính tình nhẹ nhàng tinh tế, từng trải sự sống ở một số mặt sống…”.Nhưng cái lay chuyển vô thanh ấy nơi tâm hồn không đơn thuần mà có được, người đọc không thể chỉ ngửi lấy hương thơm phảng phất trong con chữ rồi quay đi. Vì thứ rượu tuyệt hảo đang chờ đợi người đến thưởng thức ở phía sau trang giấy, nơi vô hình trên bề mặt mà dạt dào chứa đọng ở bề sâu. “Mỗi tác phẩm là một tiếng gọi” (Sartre) chân thành, nồng nhiệt như tiếng gọi của người bạn hiền, thôi thúc những kẻ ghé thăm đặt chân mình vào cái thế giới lặng lẽ, giữa những khoảng trắng ngôn từ.   

Người ta thường nói, thơ của Hàn sao mà ám ảnh, mà nồng nặc máu và trăng. Nhưng tôi cho rằng, thứ đặc lại làm nên khối ám ảnh trong lòng người hơn cả, ấy là nỗi cô đơn khi chơi vơi giữa cõi đời mà thi nhân yêu thương nhất:

                             “Cơn gió lập đông buốt lạnh lùng

                             Tứ bề gom lại một cõi không

                             Lặng nghe – Tôi nhé, nghe tôi khóc

                             Hiện hữu mà chi? Chỉ nghẹn lòng

     

Những cảm xúc như tiếng lặng dần, lặng dần, rồi chợt vút lên khỏi khuôn khổ con chữ, nén vào lòng người cái gì đó đầy khắc khoải, tựa một lời van xin. Giữa những trơ trọi của mảnh hồn cô đơn, niềm khao khát “Lặng nghe – Tôi nhé, nghe tôi khóc” nấc lên, từng giọt lệ rơi xuống. Phải chăng, đó cũng chính là tiếng gọi mời những cuộc đối thoại vang lên từ sâu thẳm cõi lòng Tử ?    

          “Lặng nghe – Tôi nhé, nghe tôi khóc...”

Một nhà thơ đã tâm tình về sức sống của thi ca “Thời gian hủy hoại các lâu đài, nhưng lại làm giàu những vần thơ”. Vượt qua muôn ngọn trùng khơi, từ lịch sử cho đến hiện tại, mãnh liệt và xúc động là những điều vẫn vẹn tròn trong văn chương, trong mỗi con chữ vần thơ. Cái âm vọng dồn nén trong câu văn xa xưa vọng về với tâm thức của mỗi chúng ta thực tại, khiến tôi liên tưởng đến cách mà Jack London đã miêu tả tiếng kêu của loài sói trong “Tiếng gọi của hoang dã”, ấy là “nỗi đau của sự sống đã từng là nỗi đau của những tổ tiên hoang dã của nó xưa kia”. Phải chăng những cuộc đối thoại trong văn chương cũng như thế, nó giúp ta nếm trải cái dư vị thoảng qua của đời sống, thời đại cha ông ta ngày trước? Bước qua chiếc cầu văn chương bắc ngang, con người như được ngược về những miền đất của hồi ức, để ngắm nhìn những trang lịch sử thiêng liêng hiện ra trước mắt. Tìm về những bài thơ được khắc trên các vách đá cổ, ta như được tìm thấy giây phút khi trái tim loài người biết rung động trước cõi đời quanh mình. Cho đến hôm nay, khi nhìn lại những chặng đường theo dòng lịch sử của văn học, xuất phát từ những câu ca dao làm quyến luyến lòng người bởi chất men đời, những áng thơ trung đại đậm sắc dân tộc, sự ra đời của các trào lưu như thơ mới và nền văn học kháng chiến vĩ đại, có lẽ đã trở thành cái khơi nguồn cho những cuộc đối thoại đầy hoài niệm trong thực tại. Tính quảng đại của văn học cho phép con người tìm thấy bóng hình đồng điệu của mình trong tất cả những chặng đường ấy, vì lẽ những vấn đề nhân sinh của con người không phải mới xuất hiện gần đây, mà đã tồn tại từ rất lâu trước đó. Đối thoại cùng những tuyệt tác “vang bóng một thời”, mỗi người có dịp chiêm nghiệm sâu sắc về ý nghĩa cuộc sống từ nhiều góc độ, hóa thân vào những số phận đã góp mình vào dòng chảy mênh mông mà như Eptusenko viết: “Mỗi số phận chứa một phần lịch sử”. Nếu ngược về quá khứ mang đến cho ta những trải nghiệm thẩm mỹ đầy cổ điển thì từ nơi bắt đầu của lịch sử, không ít những tác phẩm đã dội đến thế giới hiện đại những tư tưởng đi trước thời gian, những tầm nhìn đã mở ra viễn cảnh của tương lai từ xa xưa. “Thời gian qua kẽ tay/Làm khô những chiếc lá” (Văn Cao), nếu thời gian cuộc đời làm phôi pha vạn vật trong quy luật quá khứ – hiện tại – tương lai, những cuộc đối thoại văn chương khiến cho thời gian ấy như co dãn một cách nhịp nhàng, để lịch sử và hiện tại hòa trộn vào nhau, se duyên gắn kết cho muôn kẻ tri âm, tri kỷ.

Lời mẹ ru ngọt ngào mà tha thiết, lòng ta chợt ùa về câu ca dao thuở xưa, những câu ca như dòng sữa trắng ngần đắp nên tâm hồn con người Việt:

                   “Yêu nhau mấy núi cũng leo

                   Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua”

Từ rất lâu, câu ca dao đã dạy anh “yêu em từ thuở trong nôi”, dấy lên ý thức trong mỗi cá nhân về tình yêu và biết hy sinh vì tình yêu ấy. Dù gian nan cách trở, con người vẫn không ngại vượt qua mọi thách thức để thu vào ánh nhìn hình bóng người mình yêu. Đồng tình với quan niệm mà ca dao – văn học dân gian đưa ra, Nguyễn Du để cho nàng Kiều chủ động tìm đến tình yêu của mình, một cách đầy táo bạo:

                   “Cửa ngoài vội rủ rèm the

                   Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”

Thế nhưng, nhà thơ Nguyễn Bính đã tạo nên những góc nhìn mới trong cuộc đối thoại xuyên thời gian ấy, khi đã biến tấu hình ảnh những “ngọn đèo”, “con suối” thành những vần thơ đầy ý tứ:

                   “Nhà em cách bốn quả đồi

                   Cách ba ngọn suối, cách đôi cánh rừng

                   Nhà em xa cách quá chừng

                   Em van anh đấy, anh đừng yêu em!”

Thoáng qua, có cảm tưởng như cô gái đang khước từ trước tình yêu của chàng trai, song nếu cảnh vật trong câu ca dao ngày càng tăng tiến về độ lớn của không gian “mấy núi”, “mấy sông”, “mấy đèo” thì câu thơ của Nguyễn Bính, những khoảng cách như dần hẹp lại để nghe rõ hơn tiếng người mình yêu “bốn quả đồi”, “ba ngọn suối”, “đôi cánh rừng”. Có thể thấy, sự đối thoại tạo nên cái đa thanh đa điệu của văn chương, khiến cho cùng một đối tượng, sự vật nhưng lại có những cách suy tư, cảm nhận và cách đưa vào sáng tác rất khác theo sự chảy trôi của từng thời kỳ lịch sử. Xét về đề tài trong bầu không khí trận mạc, thơ ca trung đại bày tỏ sự dứt khoát của chí làm trai, một khi ra đi thì coi nhẹ mọi duyên nợ tình cảm:

                   “Chí nhớn chưa về bàn tay không

                   Thì không bao giờ nói trở lại

                   Ba năm mẹ già cũng đừng mong”

                                                          (“Tống biệt hành” – Thâm Tâm)

Trước khát vọng cống hiến vì nghĩa lớn, “chí tang bồng” của người ra trận như đoạn tuyệt với tất cả, dù cho đó là tình cảm mẫu tử máu mủ ruột thịt. Song trong văn học thời kỳ kháng chiến 1945, lý tưởng ấy vẫn được bộc lộ sáng ngời trên những vần thơ, nhưng nay đã thấm đẫm, man mác day dứt của những điều không nỡ:

                   Gió nói tôi nghe những tiếng thì thào

                   Khi tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau…”

                                                (“Cuộc chia ly màu đỏ” – Nguyễn Mỹ)

Tự những lời thơ đã ngầm đối thoại cùng nhau, đã tranh luận hay đồng tình, nhưng qua đó càng làm nổi bật sức sống dạt dào của văn chương là điều duy nhất mà vũ trụ ban tặng cho sự bất tử. Chính hơi thở căng tràn ấy làm cho văn chương từ lịch sử đến hiện tại rộn rã thanh âm của những cuộc đối thoại, bàng bạc khắp tận cùng những trang văn, lời thơ.   

“Các triều đại bể dâu nhưng thi cảo trường tồn

Anh lập công trên dòng ngôn ngữ ấy

Bạch Đằng anh là cắm cọc vào thời gian nước chảy

Cho ngàn năm sau vầng trăng tiếng Việt mãi còn”

                                                                             (Chế Lan Viên)

Cái chết của Lorca có thể làm cuộc đời mất đi một người nghệ sĩ, nhưng không thể khiến vũ trụ nghệ thuật mất đi một tiếng đàn. Cũng như những giai điệu của Beethoven hay Mozart, cái chết không thể đóng băng âm thanh của phiếm đàn khi loài người vẫn còn khao khát được đối thoại cùng nó nơi tâm hồn. Bởi đó là những tác phẩm nghệ thuật chân chính, là những uranium còn sót lại qua tấm màng lọc khắc nghiệt của thời gian. Một lớp người đi qua là sự tiếp nối của những hạt mầm đời sau, anh ra đi để lại cho nghệ thuật những tác phẩm mà em anh, con cháu anh từ miền đất của ngày mai ấy sẽ gửi đến anh – con người của quá khứ những lời trở trăn khôn nguôi. ““Bống bống bang bang”… Sẽ có người đến bên hồ mà gọi thơ anh/ Câu thơ trồi lên, đáp lại tiếng gọi mình” (Chế Lan Viên). Có được những cuộc đối thoại vượt lên trên sự hữu hạn của đời người, tác phẩm ấy cần chứa đựng những giá trị mà dù tồn tại trong thời đại nào, dù rơi vào tay ai vẫn vẹn nguyên những ý nghĩa của nó. Đó là một tác phẩm dạy con người ta “nhìn bằng con mắt thật” (Lưu Quang Vũ), giúp người đọc đứng từ thời đại này mà trải qua cuộc đời ở thời đại kia. Chỉ có cuộc sống mới có thể đối thoại cùng cuộc sống, sự phản ánh càng cặn kẽ bao nhiêu sẽ càng nhận về sự phản hồi từ những xúc cảm chân thực bấy nhiêu. Lenin bày tỏ cảm nhận về những tác phẩm của LevTolstoy đã ảnh hưởng lớn lao đến thời đại của ông cũng như phong trào của giai cấp vô sản trên thế giới, vì sáng tác của văn hào không gì hơn chính là “tấm gương phản chiếu cách mạng Nga” sinh động nhất. Và anh càng không thể đòi hỏi độc giả mai sau sẽ cùng anh đối thoại nơi trang giấy nếu tác phẩm chỉ là cái tình cảm vỡ vạc từ mảnh đất khô cằn mà không làm sáng bừng lên một tư tưởng, ý niệm nhân sinh nào đó. Còn nhớ mãi Nguyễn Du khi viết “Truyện Kiều” đã không ngần ngại mà phô bày quan niệm mới mẻ về chữ “trinh”:“Như nàng lấy hiếu làm trinh/ Bụi nào cho đục được mình ấy vay?”. Nhưng không dễ để chấp nhận góc nhìn ấy vào thời kỳ trung đại, Nguyễn Công Trứ trong quá trình tiếp nhận bày tỏ tư tưởng đối lập “Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm”. Điều đó cho thấy giá trị tư tưởng của một tác phẩm quyết định sức đối thoại của độc giả dành cho sáng tác nhà văn ấy. Dù là người viết hay người đọc, mỗi cá thể đều sở hữu nhân sinh quan, những quan niệm riêng biệt làm nên sự đồng tình hay mâu thuẫn trong những cuộc đối thoại, lí giải về tác phẩm. Nhìn vào bản chất, cái làm nên sự cách biệt giữa các thời đại còn gì hơn là những đổi thay trong tư tưởng, góc nhìn của con người mỗi thế hệ. Nhờ đó mà văn chương là chuyện muôn người, muôn thời đại, nhân loại cứ thế mà truyền tay nhau cái trang giấy đã làm bao trái tim rung động nghẹn ngào.  Lịch sử đi vào tâm hồn con người mai sau bằng chất cứng rắn của một sự thật không thể thay đổi, nhưng khiến cho tâm hồn con người hòa tan vào những xúc cảm mềm mại trong tim, ấy có lẽ là những tác phẩm nghệ thuật. 

“Trăm ngàn kiếp lệ cuốn theo sông/ Biển chứa long lanh sóng vạn trùng” (Xuân Diệu), phải chăng văn chương là dòng chảy đã trải qua hàng lệ của độc giả bao đời mà góp nên?

Niềm xúc động trước nghệ thuật là niềm xúc động trước cái đẹp cao cả, nhưng vẻ toàn mĩ ấy có còn thiện chân khi sức sống của nghệ thuật sinh sôi trên cái chết, máu thịt của con người? “Chẳng biết Vũ Như Tô phải hay những kẻ giết Vũ Như Tô phải?”, đã bao đời người đọc trầm mình trong cái vang vọng khắc khoải ấy, làm dội đến mai sau thanh âm của cuộc đối thoại không hồi kết. Ở thế hệ trước, không ít những độc giả thể hiện thái độ đồng tình với hành động phản kháng của nhân dân, bởi dựa trên quan niệm căn cốt Nguyễn Trãi đưa ra “Hòa bình là gốc của nhạc”, tức cái điểm tô nên vẻ đẹp của non sông không gì hơn là quốc thái dân an. Nhưng tiến dần về hạ nguồn của dòng thời gian, khi các quan niệm về sáng tạo nghệ thuật được đề cao, phó giáo sư Phạm Vĩnh Cư đã tự hỏi trong bài bàn luận của ông: “vì sao khi dân chúng và binh sĩ nổi dậy đốt Cửu trùng đài, giết Vũ Như Tô, chúng ta lại đau xót đến thế?”. Cuộc đối thoại của văn chương tựa làn nước chuyển mình nhịp nhàng, chảy trôi qua ý thức hệ mà con người của từng thời đại cho là đúng với tác phẩm. Và có lẽ, cuộc tranh luận để tìm ra đáp án cho câu hỏi “Vũ Như Tô đáng tội hay đáng sống?” sẽ còn được người đọc nhiều đời sau trăn trở mãi. Tôi chợt nhớ đến nhà thơ Quang Huy, người đã đối thoại cùng nhà văn Nam Cao qua sáng tác “Nỗi niềm Thị Nở”:

                             “Thôi rồi, đắt lắm tiết trinh

                             Hồn em nhập bát cháo hành nghìn năm”

Luồng ý kiến của một số người đọc cho rằng hành động của Thị Nở là dở hơi, là quá tàn nhẫn khi rũ bỏ đi tình yêu với Chí, nhưng ngòi bút Quang Huy đã đưa những góc khuất ra ánh sáng, lấy nỗi lòng của Thị mà bênh vực cho chính Thị. Sự đối thoại, nhất là giữa những con người cùng ý thức về các giá trị nghệ thuật còn hình thành sự đồng sáng tạo giữa người sáng tác và độc giả. Nhà thơ đã khơi lên từ cái bề sâu những tầng ý nghĩa nơi trang giấy, điều mà chính Nam Cao cũng không đề cập chi tiết, đó chính là góc nhìn về “trinh tiết”, về những nỗi lòng của Thị. Trong xã hội của làng Vũ Đại ngày ấy, liệu có mấy ai chấp nhận người đàn bà như Thị, chưa chồng mà đã có con? Nguồn cơn cho quyết định quay lưng với Chí xuất phát từ lời nói của người bà cô hay cũng chính là những định kiến khắc nghiệt mà người đời không ngừng chỉ trích, lên án với tình yêu của Thị. Nhưng có lẽ, chúng ta quên mất rằng dù người đời nhìn Thị ra sao, như một kẻ xấu “ma chê quỷ hờn”, thì bản chất trong Thị vẫn chỉ là một người phụ nữ yếu mềm, cũng cần được sự chở che mà thôi. Và từ thế hệ sau, nhà thơ Quang Huy đã cất lời đồng cảm với số phận bất hạnh của con người ấy, đã để Thị làm trung tâm cho góc nhìn của thời đại mới. Ở đó, “Hồn em nhập bát cháo hành nghìn năm”, điều sẽ mãi dâng tràn theo năm tháng là tình yêu bao dung, là bát cháo hành nghi ngút khói đến cay mắt hay cũng chính là cái thiên chức thật đẹp của người phụ nữ trong Thị, là vòng tay đã dìu dắt Chí trở về với bao khát vọng lương thiện. Bước vào những cuộc đối thoại, có cảm tưởng rằng văn chương chính là ánh tia chớp đã hàn gắn sự sống và cái chết trên cùng bầu trời, để nhà văn – độc giả dù thuộc thế hệ nào đều có quyền cất vào bầu trời chung ấy, những tiếng nói làm nên sức sống bất diệt của ngôn từ.

Thời gian như lặng nhịp thoi đưa trước tiếng đàn, nhưng còn không gian? Tiếng đàn khiến cho bề mặt của địa cầu trở nên vô nghĩa, vì không gì có thể ngăn cản được âm vọng của nó đến với trái tim …

Thi sĩ Chế Lan Viên cảm thức về những cuộc đối thoại của văn chương: “ Nó viết ở kinh tuyến này và rung động trào sôi ở kinh tuyến khác/ Trong dân tộc và ngoài dân tộc”. Nếu nói văn chương đã phá vỡ những lằn ranh, có lẽ đó chính là lằn ranh ngôn ngữ. Bao đời nay, những tác phẩm văn học nối tiếp nhau ra đời, bất kể châu Á hay châu Âu, màu da hay tôn giáo đều được nhân loại hân hoan đón nhận. Nhưng điều làm nên những cuộc đối thoại lan rộng về không gian và thời gian, không thể không kể đến chất vàng riêng biệt tồn đọng trong lịch sử, nền văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc. Nung nấu từ trong lòng đời sống, mỗi tác phẩm sinh ra thừa hưởng dòng máu ngầm chảy nơi hiện thực, vì thế nó bắt trọn tất cả những sự kiện diễn ra của thời đại. Quy luật bất di bất dịch này tưởng chừng sẽ đánh đồng văn chương là một công cụ phản ánh khô khan, nhưng do mỗi dân tộc trải qua một công cuộc đấu tranh và xây dựng khác nhau làm hình thành những bản sắc văn hóa không trộn lẫn. Chính yếu tố ấy khiến cho các tác phẩm sở hữu những nét mà có thể với quốc gia này, nền văn hóa này, đó là điều bình thường nhưng lại tạo nên làn sóng tranh luận khi tác phẩm du nhập vào nền văn hóa khác.  Tuyệt bút “Nhà giả kim” in đậm màu sắc của triết học Đông phương, hướng niềm tin con người về Thượng đế, vũ trụ khi lan rộng khắp thế giới từng bị không ít lời chỉ trích, cho rằng tác phẩm là sự huyễn hoặc, ảo tưởng phi thực tế. Nhưng với những ai am hiểu sâu sắc về nền minh triết Đông phương kỳ diệu sẽ thấy rằng “Nhà giả kim” là lời chỉ dẫn linh thiêng đối với vận mệnh mỗi con người. Bên cạnh cuộc tranh luận, những nền văn hóa đa dạng song cũng có nét tương đồng sẽ làm nên sự đồng tình trong đối thoại nói riêng và ảnh hưởng, tác động đến quá trình sáng tác lẫn nhau nói chung. Nơi tinh cầu với “ hàng triệu câu chuyện được viết ra dưới vòm trời này” ( Nguyễn Ngọc Tư), tác phẩm văn học mang trong mình sứ mệnh một người phát ngôn, của nền văn hóa này đối thoại với nền văn hóa khác.

Và chính lớp bụi mờ bay lên từ những đặc sắc của nền văn hóa sẽ làm rung chuyển sâu sắc đến nhận thức, góc nhìn của từng người cầm bút. Nói đến hai nền văn hóa, ta có thể hình dung đó là cuộc đối thoại giữa hai nhà văn với hai phong cách nghệ thuật khác biệt. Mỗi nhà văn, dưới sự nhào nặn từ nền văn hóa dân tộc, sự chắt chiu vốn trải nghiệm sẽ hình thành nên chất riêng trong sáng tác, dù cùng viết chung một đề tài. Viết về tình yêu, Xuân Diệu bày tỏ một cảm giác mơ hồ khó tả “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu!/ Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều”. Thế nhưng, những rung cảm trước ngọn sóng tình yêu lại được cụ thể hóa, tạo cho một dáng hình có thể nhìn thấy bằng mắt qua lời thơ của thi sĩ Ấn Độ Tagore: “tình yêu ấy là ánh vàng nhảy múa trên lá cây, trên đám mây lờ lững lang thang khắp bầu trời, trên gió nhẹ lướt thoảng qua làm vầng trán mát rượi”. Nhìn vào những vần thơ mà hai thi sĩ đã dâng hồn mình cho tình yêu, điểm khác biệt được thể hiện rõ từ đôi mắt lí giải về tình yêu cho đến cách thức trình bày. Tất cả khi đặt trong sự đối sánh gợi nên cuộc đối thoại, ở đó tình yêu hiện ra không mang màu sắc tẻ nhạt mà được cảm nhận nhiều chiều, làm phong phú hơn định nghĩa về tình yêu trên thế gian. Và những cuộc đối thoại xuyên không gian cứ thế tiếp diễn như minh chứng cho ý nghĩa cao đẹp của văn chương: những tác phẩm nghệ thuật không bao giờ có biên giới. Tựa những cánh hoa bồ công anh theo làn gió bay đến chân trời xa, tôi tin rằng không ít những tác phẩm văn chương Việt Nam đã hòa mình vào làn gió ấy, gợi sự đồng cảm, đối thoại trong cộng đồng người đọc khắp thế giới. Ngòi bút Bảo Ninh khắc sâu những ám ảnh về chiến tranh Việt Nam vào lòng nhân loại qua tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh”, quyển sách đã được Gunter Giesenfeld – giáo sư văn chương người Đức ngợi ca: “Tôi cho rằng, tiểu thuyết của Bảo Ninh thậm chí hay hơn “Phía Tây không có gì lạ””. Nhiều nhà văn nước ngoài đã nặng tình với những áng văn, tập thơ Việt Nam, góp vào cuộc đối thoại của văn chương những thanh sắc diệu kỳ. Nhà thơ người Mĩ Martha Collins nhận xét rằng: khi thưởng thức thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Quang Thiều, bà được trao một cái thoáng nhìn vào đời sống Việt Nam mà tất cả những gì bà đọc từ lịch sử nước này chưa hề mang đến. Lặng nghe những thanh âm náo nức trong phiên chợ ấy, văn chương mang lại cho con người cơ hội lên tiếng, để đáp trả những lời mời gọi, những tiếng yêu hay tiếng giận phía bên kia vòm trời mà có thể ta chưa thấy, nhưng đã cảm nhận trong trái tim mình.

Như vậy, giáo sư Huỳnh Như Phương đã đưa ra những quan niệm xác đáng về bản chất của văn học – những cuộc đối thoại nơi trang giấy, từ đó giúp ta nhận ra những yêu cầu bức thiết đối với nhà văn – chủ thể sáng tác và độc giả – người tiếp nhận. Bằng vốn sống phong phú, cái tâm và cái tài của mình, nhà văn cần cho ra đời những tác phẩm có chiều sâu, hàm chứa những giá trị nhân văn, giàu sức gợi. Có như vậy anh mới tạo nên tiền đề cho những cuộc đối thoại phi thời gian, không gian của văn chương. Và để đối thoại thì không thể chỉ riêng nhà văn, bạn đọc cần khám phá tác phẩm “ở chiều sâu như nguồn nước không ngừng tuôn trào của nó”. Khi ấy, mỗi tác phẩm sẽ thực sự là một cánh cổng, dẫn lối ta đến với những buổi đàm thoại của tâm hồn.

Li-la li-la li-la…

Tựa thứ thứ thanh âm căng mình trên dây đàn của Lorca đã khiến hồn người Tây Ban Nha suốt bao thế kỷ hòa quyện trong tiếng đàn vỡ tan bọt nước, những tác phẩm văn học sinh ra mang trong mình thiên chức của vị sứ giả, như một người nghệ sĩ Lorca. Vị sứ giả ấy xuất hiện, gảy nên những giai điệu làm say đắm lòng người, khiến tất cả quên đi cái sự sống nhỏ bé của mình, để hòa vào dòng chảy giữa lịch sử và thực tại, giữa thế hệ hôm qua và hôm nay, giữa nền văn hóa này với nền văn hóa khác, đối thoại với trái tim của những vị khách văn chương.

                            NGUYỄN NGUYÊN THU HÀ

                            #baiviethocsinh_blogchuyenvan

                      #liluanvanhoc_blogchuyenvan

 

Đăng nhận xét