Search Suggest

Bài viết | Sức mạnh kết nối của văn chương

 



Đề bài:



Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư chia sẻ: 



 



Tôi bắt đầu tin văn chương cũng có lửa, làm tan
chảy những bức tường thép mà mỗi người tự dựng lên; văn chương cũng là băng,
gắn kết những ốc đảo người thành một khối; văn chương cũng là nước, dịu dàng mà
mãnh liệt vượt qua những rào cản của lịch sử, văn hoá, ngôn ngữ… 



 



Từ ý tưởng trên, anh (chị) hãy viết bài văn với
chủ đề: sức mạnh kết nối của văn chương.



 



Bài làm



 



     Trong bối cảnh ngày nay, khi ngày càng nhiều các
lĩnh vực phát triển:
âm nhạc
ngày càng độc đáo, hội họa ngày càng thu hút, liệu văn chương có trở nên nhỏ bé
và mất đi chỗ đứng của mình? Tôi cho là không, bởi từ cổ chí kim văn chương đã
đồng hành cùng con người, vai trò, sức mạnh của nó đã được rất nhiều người
khẳng định. Nhà văn hiện đại Nguyễn Ngọc Tư cũng từng nói: “Tôi bắt đầu tin văn
chương cũng có lửa, làm tan chảy những bức tường thép mà mỗi người tự dựng lên;
văn chương cũng là băng, gắn kết những ốc đảo người thành một khối; văn chương
cũng là nước, dịu dàng mà mãnh liệt vượt qua những rào cản của lịch sử, văn
hoá, ngôn ngữ…”. Văn chương có sức mạnh kì diệu, không chỉ nổ ra như tiếng sét
rồi biến mất mà còn có “sức mạnh kết nối”.



 



     Lời
nhận định của Nguyễn Ngọc Tư đã gợi nên cho chúng ta những băn khoăn về vai trò
của văn chương đối với con người. Hình ảnh “lửa” tượng trưng cho sức nóng, lửa
có khả năng làm nóng chảy những khối kim loại dù là thô ráp, rắn chắc nhất, nhà
văn đã ví văn chương như “lửa” còn tâm hồn, suy nghĩ của con người là “bức
tường thép” mà con người “tự dựng nên”, ý nói văn chương có sức mạnh lớn, khả
năng làm tan chảy những trái tim đang cằn cỗi vì bao bộn bề cuộc sống, giúp
người đọc “kết nối” với trái tim mình. Đồng thời, văn chương cũng là “băng”
“gắn kết những ốc đảo người thành một khối” giúp “kết nối” con người gần nhau,
hòa thành một tập thể. Không chỉ mỗi “lửa”, “băng” mà còn là “nước”, “dịu dàng”
từ con chữ nhưng những giá trị, bài học mà nó mang đến lại “mãnh liệt” - rõ
ràng, rành mạch có khả năng “vượt qua những rào cản của lịch sử, văn hoá, ngôn
ngữ…” vượt qua những giới hạn trong cuộc sống, kết nối con người với mọi thời
đại. Như vậy, văn chương không có nghĩa là giữ nó “để riêng tây” (Xuân Diệu) mà
còn có những chức năng vượt trội, “sức mạnh kết nối”- phá tan xiềng xích để
chạm vào trái tim của người đọc, gắn kết nhân loại.



 



     Với những ai say mê văn chương hẳn
cũng không khó để lý giải vì sao nó lại chứa đựng “sức mạnh kết nối”. Văn học
là “cuốn bách khoa toàn thư về cuộc sống” nó đáp ứng nhu cầu muốn tìm tòi, khám
phá thế giới của con người, song nó không sao chép nguyên bản từ cuộc sống mà
là sự kết hợp giữ yếu tố khách quan (hiện thực cuộc sống) và yếu tố chủ quan
(tình cảm người viết), tác giả gửi vào đó những bài học sâu sắc, tình cảm chân
thành, từ đó tác phẩm văn học mới có sức hút neo lại trong lòng trái tim bạn
đọc, thắp lên ngọn lửa hướng thiện và tạo sự “kết nối”, kết nối tri thức, sự
hiểu biết giữa nhà văn và bạn đọc để cùng nhau hình dung về thế giới bên ngoài,
nói như Secnuxepki “Những kết luận khoa học như những thỏi vàng chỉ lưu hành
trong phạm vi nhỏ hẹp, còn tri thức từ các tác phẩm văn học như những đồng tiền
nhỏ dễ dàng lưu thông, len lỏi đến với mọi người”. Văn chương đã kết nối con
người với trái tim mình, kết nối tình cảm con người với con người, kết nối mọi
thời đại, xóa nhòa đi những giới hạn.



 



     Tìm
về văn, con người tìm về trái tim mình. Hiện thực khốc liệt đã khiến bao trái
tim chai sạn, khiến cho bao người phải tự dựng lên “bức tường thép”. Ấy vậy khi
đọc, thâm nhập vào tác phẩm văn học, nó đã tưới mát cho trái tim và tâm hồn già
cỗi.  Văn chương đã tìm đến những nơi sâu kín nhất, thấy những “hạt ngọc
ẩn giấu” (Nguyễn Minh Châu), làm tan chảy họ, “mở rộng khả năng của tâm hồn,
làm cho con người vui buồn nhiều hơn, yêu thương và căm hờn nhiều hơn, tai mắt
biết nhìn, biết nghe” (Nguyễn Đình Thi).
[t1] Thật vậy, đọc những vần thơ “Sóng” của Xuân
Quỳnh, tiếng sóng như thôi thúc từng hồi, vỗ vào lòng, vào trái tim của người
tìm đến văn chương:



 “Dữ dội và dịu êm



  Ồn
ào và lặng lẽ

Sông
không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể”



Xuân Quỳnh đã diễn tả
một trạng thái thái khác thường, có phần khó hiểu và phức tạp. Nhà thơ đã sử
dụng những cặp từ đối chọi, Sóng được tả “dữ dội”- “dịu êm”, “ồn ào” - “lặng
lẽ”, cũng là thể hiện sự thất thường, cảm giác mâu thuẫn trong trái tim của
người phụ nữ trong tình yêu. Tình yêu là sự kết hợp hài hòa, thống nhất của
những mâu thuẫn ấy, chúng đối nghịch mà chuyển hóa qua lại. Hình tượng Sóng và
Em là hai hình tượng song hành và đồng điệu, Sóng là Em và Em cũng là Sóng. Khi
cảm thấy mình khó hiểu, họ lại rất khao khát đi tìm sự thấu hiểu nhưng nếu lòng
sông an toàn mà chật hẹp không hiểu được Sóng thì Sóng sẵn sàng ra đi, từ bỏ
sông, từ bỏ không gian tù túng, bó buộc để tìm ra “tận bể” lớn với bao điều mới
mẻ, để được cảm thông, thấu hiểu. Thông qua con sóng, tác giả muốn nhấn mạnh
khát vọng tìm đến tình yêu, tìm đến sự thấu hiểu của người phụ nữ. Người phụ nữ
trong thơ của Xuân Quỳnh thật phóng khoáng, dám từ bỏ những thứ không thuộc về
mình, dám sống là chính mình. Đó cũng chính là thông điệp mà thi sĩ gửi đến bạn
đọc - hãy dám vươn tới những hạnh phúc, những điều tốt đẹp, hãy để trái tim chỉ
đường. Đọc những câu thơ, người đọc dường như cảm thấy mình được thôi thúc,
thổn thức, muốn phá bỏ “bức tường thép” kia, muốn lần nữa “kết nối”, lắng nghe
trái tim mình. 



 



     Xuân
Quỳnh còn cho ta thấy tình yêu dẫu khó giải thích nhưng vẫn khiến con người ước
ao:



“Ôi con sóng ngày xưa



                                                         Và
ngày sau vẫn thế



Nỗi khát vọng tình yêu



Bồi hồi trong ngực trẻ”



 



Dù là “ngày xưa” hay
“ngày sau” tác giả khẳng định “vẫn thế”, Sóng vĩnh cửu và tình yêu mãi như vậy,
vẫn “dữ dội” vẫn “dịu êm”, vẫn muôn đời Sóng dám tìm ra “tận bể”. Thi sĩ mang
đến cho độc giả thứ tình yêu mãnh liệt đến thời gian cũng không thể bào mòn, xoay
chuyển. Khát vọng tình yêu làm “bồi hồi” trong trái tim, sự bồi hồi ấy là sự da
diết, mong ngóng, chờ đợi, là xúc cảm vô cùng tuyệt vời. Tình yêu dường như
mạnh mẽ hơn trong lồng ngực người trẻ nhưng cũng mang lại điều kì diệu cho độ
tuổi đã già - sự trẻ trung, khiến con người tràn đầy nhựa sống. Những vần thơ
một lần nữa cho độc giả phập phồng với niềm khao khát có được hạnh phúc, xâm
nhập tim ta tự bao giờ, giúp ta lắng nghe, “kết nối” đến nơi sâu thẳm nhất
trong tim, muốn lần nữa “đón lấy mọi vang động của cuộc đời”(Nam Cao). Thật
vậy, Xuân Quỳnh - “Nữ hoàng của thơ tình yêu” đã khiến cho những con người dù
lạc hậu hay tự dựng lên “bức tường thép” cũng phải “tan chảy”, chiêm nghiệm
được vị ngọt, điều kì diệu của tình yêu.



 



     Chưa
dừng ở đó, văn chương còn “kết nối”, “gắn những ốc đảo người thành một khối”.
“Văn học là nhân học” (M.Gorki), nó ra đời để truyền tải tình thương, gìn giữ
những giá trị tình thương của con người, mang con người lại với nhau để thêm
yêu thương. Từ xa xưa trong văn học dân gian, ông cha ta đã dạy cần yêu người,
yêu đời:



 



Nhiễu
điều phủ lấy giá gương



Người trong một nước phải thương nhau cùng” 



Và: 



“Thương người như thể thương thân”



 



không chỉ vậy, trong truyền thuyết “Con rồng cháu tiên” lý giải nguồn gốc
dân tộc ta, mẹ Âu cơ sinh được bọc trăm trứng và sau này 50 người con theo cha
xuống biển, 50 người con theo mẹ lên non, Lạc Long Quân đã dặn Âu Cơ rằng khi
gặp sự nguy hiểm thì báo cho nhau biết, cứu giúp lẫn nhau, điều đó đã nhấn
mạnh,dạy con người cần yêu thương, đoàn kết nhau.



 



    
Và khi tôi đọc tác phẩm “Lão Hạc”, tác phẩm đã
gợi lên bao cảm xúc yêu thương mà tôi đã bỏ quên, giấu nhẹm đi chưa bày tỏ. Đó
là khi con trai của Lão Hạc bỏ đi làm đồn điền cao su, còn chỏng chơ mỗi mình
Lão chỉ biết than vãn cùng ông Giáo “tôi chỉ còn biết khóc, chứ còn biết làm
sao được nữa? Thẻ của nó, người ta giữ. Hình của nó, người ta chụp rồi. Nó lại
đã lấy tiền của người ta. Nó là người của người ta rồi, chứ đâu còn là con
tôi?...” cảm giác nhìn đứa con mình thương yêu đau khổ, không thể giúp gì được,
nhìn nó cất bước ra đi khiến lão không khỏi đau xót, nghẹn lời, con mình ấy vậy
lại trở thành “của người ta”. Tình thương của cha mẹ thường không biểu hiện
bằng lời mà thể hiện bằng hành động, cử chỉ; lão Hạc lo sợ mình dần ăn hết mảnh
vườn đã cắn răng bán đi con chó Vàng mình thương yêu, sợ mình trở thành gánh
nặng của con khi về già nên đã chọn cái chết, tôi từng đọc đi đọc lại đoạn nhà
văn Nam Cao miêu tả cái chết của lão Hạc nhiều lần, đọc rồi lại ngẫm, lại rơi
nước mắt, đó là một cái chết dữ dội và đau đớn “Lão Hạc đang vật vã ở trên
giường, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, hai mắt long sòng sọc. Lão tru tréo,
bọt mép sùi ra, khắp người chốc chốc lại bị giật mạnh một cái, nẩy lên. Hai
người đàn ông lực lưỡng phải ngồi đè lên người lão. Lão vật vã đến hai giờ đồng
hồ rồi mới chết”, trong trí óc bé thơ của tôi ngày ấy không khỏi giận và trách
móc nhà văn, tôi đã nghĩ: “một người lương thiện như lão phải xứng đáng nhận
được hạnh phúc chứ không phải cái chết” nhưng rồi càng lớn tôi lại nhận ra “đó
chẳng phải cũng là hình ảnh ba mẹ mình hay sao” ba mẹ luôn hy sinh, nhận phần
cực nhọc, thiệt thòi về mình để mong con lớn lên hạnh phúc, đủ đầy: có những
bữa cơm mẹ gắp đũa phần ngon nhất cho ta rồi ăn phần sót lại, có những hôm trời
mưa thật lớn ba nhường áo mưa lại cho ta rồi cả người ướt sũng. Tình thương của
ba mẹ không phô trương mà vô cùng kín đáo, thầm lặng như cách Nam Cao xây dựng.
Và tôi tin rằng lời văn của Nam Cao không chỉ giúp tôi mà còn rất nhiều bạn đọc
khác “kết nối” ba mẹ mình - những người vất vả một đời, sẵn sàng làm tất cả vì
con như nhân vật
lão Hạc, khiến ta thêm trân
trọng, yêu thương đấng sinh thành.



 



     Hơn
thế nữa, văn chương phá bỏ mọi hạn chế, bờ cõi, giúp ta “kết nối” không giới
hạn. Ta muốn biết đến văn hóa, con người của đất nước xa lạ liệu có đủ điều
kiện mọi mặt? Ta muốn nắm rõ được thời xưa liệu có quay ngược được thời gian?
Ta không thể nhưng văn chương có thể, muôn vàn trắc trở, văn chương sẽ giải
quyết tất cả. Văn chương như sợi dây vô hình không có giới hạn. Chưa từng đặt
chân đến nhiều nơi nhưng ta có thể “đi đến” qua các câu ca dao:



 



“Bắc Kạn có suối đãi vàng



Có hồ Ba Bể có nàng áo xanh”



Hay:



 



“Nhà Bè nước chảy chia hai



Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”



 



Và cả có những người
khát khao giao cảm một đời, khát khao “kết nối” một đời mà chẳng tìm chẳng tìm
thấy, ấy mà khi đến với văn chương vượt qua thời gian, sức mạnh của nó đã giúp
họ. Thật vậy, Nguyễn Du đã bắt gặp nàng qua tập thơ “Phần dư” đồng cảm, viết nên
tác phẩm “Đọc Tiểu Thanh Kí”: 



 



“Tây Hồ hoa uyển tẩn thành khư



Độc điếu song tiền nhất chỉ thư



                                                  Chi
phấn hữu thần liên tử hậu



      Văn chương
vô mệnh lụy phần dư”



 



Nguyễn Du miêu tả cảnh
Tây Hồ thật khác trong suy nghĩ bao người, nhẽ ra cảnh Tây Hồ phải là một mỹ
cảnh phong phú vậy mà giờ đây đã “tẫn”- hoàn toàn biến đổi thành một gò hoang
vu. Tác giả mượn hình ảnh Tây Hồ cốt để nói về sự biến đổi khốc liệt của thời
cuộc, khi xưa Tiểu Thanh là cô gái
xuân thì, chốc đã hóa thành người thiên cổ. “Độc điếu” - một người đơn độc
viếng một hồn đơn độc, nỗi xót thương nuốt vào trong, “độc” và “nhất” cho thấy
thi nhân đã đặt mình vào nàng Tiểu Thanh, chỉ “viếng” qua “chỉ thư”-tác phẩm
của nàng mà đã thấu hiểu được nỗi đau của nàng. Là người có tài mạo xuất chúng
“hữu thần” - có thần, có hồn song tài năng lại bị chà đạp, xinh đẹp nhưng không
được yêu thương, chết trong đắng cay, tuổi hờn. Chỉ là cuộc gặp gỡ qua trang
sách, qua văn chương mà đã khiến cho Nguyễn Du không khỏi thương xót. Để rồi
ông ngẫm về đời, ngẫm về mình:



 



“Cổ kim hận sự thiên nan vấn



                                                     Phong
vận kỳ oan ngã tự cư



Bất tri tam bách dư niên hậu



      Thiên hạ hà
nhân khấp Tố Như”



 



Mối hận xưa nay, mối hận
truyền kiếp, đó là sự tiếc hận cho những người tài năng nhưng lắm oan trái
trong đời. nhà thơ “vấn” mình, “vấn” trời tại sao lại như thế vậy mà câu hỏi đó
dường như trời cũng không thể lý giải được “hồng nhan đa truân, tài tử đa
cùng”. Nguyễn Du đồng bệnh tương liên với Tiểu Thanh. Văn chương đã “se duyên”
cho cuộc gặp gỡ này, nó đã “vượt qua những rào cản của lịch sử, văn hóa, ngôn
ngữ” khẳng định sức mạnh của mình. Tiểu Thanh cách Nguyễn Du 300 năm, cách xa
địa lý nhưng chỉ cần bằng thơ văn đã có thể “kết nối”. Rồi đại thi hào đặt ra
câu hỏi, cũng là lời khát khao, rồi 300 năm nữa liệu có ai tìm thấy ông, còn ai
nhớ thương và đồng cảm với ông hay không? Ông khát khao tìm được một người “kết
nối” với mình, hiểu thấu được nỗi lòng mình. Và thật kì diệu, chưa đến 200 năm
sau, Tố Hữu với “sức mạnh kết nối” của văn chương đã tìm thấy và đồng cảm với
Nguyễn Du, Tố Hữu bày tỏ:



 



“Tiếng thơ ai động đất trời



Nghe như non nước vọng lời ngàn thu



Ngàn năm sau nhớ Nguyễn Du



Tiếng thơ như tiếng mẹ ru những ngày”



 



Ta với họ có thể ở những
thời đại, có những rào cản cách xa nhau, song tìm đến văn chương chúng ta là
một, bằng sức mạnh của mình văn chương sẽ kết nối tất cả.



 



     Ngẫm
thấy, lời nhận định của Nguyễn Ngọc Tư thật xác đáng, văn học đã đồng hành cùng
con người, trải qua bao thăng trầm chứng minh cho sức mạnh của nó. “lửa”,
“băng”, “nước” đều là những thứ không thể thiếu trong cuộc sống của con người,
văn chương cũng như thế ta không thể sống mà tách rời khỏi nó. Nó giúp sưởi ấm,
“kết nối” trái tim ta, “nó làm con người gần người hơn” (Nam Cao), “kết nối”
mọi người, mọi vật, mọi thời đại, để lại đằng sau những giới hạn của cuộc
sống. 



 



      Và
trong đại dịch Covid-19 liệu văn chương có đủ sức mạnh kết nối con người, kéo
họ khỏi những bi quan, tuyệt vọng, khi con người thu mình lại, chú trọng “bảo
vệ mình trước hết”? Đây là cuộc chiến không cân sức, văn học không thể biến
thành khẩu trang bảo vệ con người, cũng không biến được thành thuốc uống, nhưng
văn học hậu thuẫn phía sau tiếp thêm cho con người niềm tin và hy vọng để không
cảm thấy lẻ loi và từ bỏ: “Cuộc sống vẫn đang tiếp tục. Làn sóng thứ 2 của dịch
bệnh COVID lại ập tới. Cả nước lại bắt tay thật chặt bàn tay kết đoàn. Đó chính
là sức mạnh vĩnh cửu của Việt Nam để tiếp tục thế trận chiến đấu để chiến thắng
trên mọi mặt trận, mọi miền, tỉnh thành, thôn quê với tuyên ngôn giản dị, mộc
mạc của cuộc sống. Từ đây, người biết quê người, từ đây người biết yêu người,
từ đây người biết thương người”(Paris+14). Những thông điệp tốt đẹp từ văn
chương vẫn luôn bên bạn dù dịch bệnh không biết còn kéo dài bao lâu, nhưng khi
bạn cần, mặc cho trong hoàn cảnh khổ đau hay hạnh phúc, văn chương chắc chắn
cũng không rời khỏi hiện thực đó, không bao giờ bỏ lại ai phía sau trong cuộc
chiến này. 



     Song,
không phải tác phẩm nào cũng có sức mạnh kết nối, đó phải là một tác phẩm chân
chính. Nhà văn trong quá trình sáng tác không thể sao chép hiện thực một cách
hời hợt, nông cạn. Đó phải là một đứa con tinh thần được thai nghén, ấp ủ, phản
ánh những vấn đề thật sâu sắc, dẫn bạn đọc đến gần hơn với “chân-thiện-mỹ”, nói
như Nam Cao: “Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả bờ cõi
và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả nhân loại” nhà văn với bút lực
của mình phải cống hiến hết mình cho văn chương, để “sức mạnh kết nối” ấy còn
sống mãi. Với mỗi độc giả hãy đọc và thâm nhập vào tác phẩm, bằng vốn sống và
tri thức của mình, sống cùng tác phẩm, nhập vào như “người trong cuộc” để hiểu
thật sâu, nắm chặt sợi dây kết nối mà văn chương truyền đến. Khi có sự hòa hợp
đó “sức mạnh kết nối” của văn chương mới thực sự lan tỏa.



 



     James
Baldwin từng nói: “Bạn nghĩ rằng nỗi đau và con tim tan vỡ của bạn là điều chưa
từng có trong lịch sử thế giới, nhưng rồi bạn đã đọc”. Vậy tại sao ta không thử
đắm mình vào văn chương, tin tưởng “sức mạnh” kì diệu của nó như nhà văn Nguyễn
Ngọc Tư đã bắt đầu? Hãy để văn chương “kết nối” với chính mình và xa hơn nữa là
“kết nối” với vạn người, vạn vật. 



 



TRẦN THỊ TUYẾT VY



LỚP 11 CHUYÊN VĂN



TRƯỜNG THTH ĐHSP TP. HCM



(NĂM HỌC 2021 – 2022)



#baiviethocsinh_blogchuyenvan



#liluanvanhoc_blogchuyenvan



   



   



   









 














 [t1]Viết hay lắm








Đăng nhận xét