Search Suggest

Dạy Ngữ văn theo CT mới | Phương pháp thuyết trình diễn giảng được dùng như thế nào?



Bữa nay, mình nhận được câu hỏi này của bạn giáo sinh thực tập, sau tiết dạy đầu tiên với sự chuẩn bị chỉn chu về phương pháp và các phiếu học tập. Và mình nghĩ đây cũng là một lầm tưởng của nhiều người khi hình dung về dạy học phát triển năng lực, cho rằng giáo viên sẽ không diễn giảng.

Thật ra, ngay từ các môn giáo học pháp ở trường Sư phạm, chắc các bạn cũng biết nguyên tắc "không có phương pháp nào là vạn năng", và để dạy học hiệu quả thì phải kết hợp một cách hợp lí các phương pháp dạy học sao cho phù hợp với điều kiện thực tế và đạt được các MỤC TIÊU CẦN ĐẠT. Cho nên, dù dạy theo chương trình mới hay chương trình cũ, phương pháp diễn giảng vẫn có vai trò riêng của nó.

Vấn đề là: diễn giảng như thế nào, và nhằm mục đích gì?

Nếu trước đây, đối với hoạt động dạy đọc văn bản, việc diễn giảng là chủ đạo, giáo viên đọc văn bản, cảm thụ, rồi diễn giảng để truyền lại nhũng cảm thụ của mình cho học sinh, học sinh ghi và nhớ những cảm thụ của giáo viên, thì bây giờ tình hình đã khác.

Dạy đọc hiểu văn bản theo định hướng phát triển năng lực, HS phải trực tiếp đọc văn bản, trực tiếp ghi nhận kết quả đọc của bản thân và học những CÁCH để rút ra được những kết quả đọc đó. Vai trò của giáo viên là người hỗ trợ, hướng dẫn, làm mẫu. Như vậy, đương nhiên học sinh làm, nói, phát biểu, thảo luận là chính. Vậy giáo viên sẽ diễn giảng khi nào? Thứ nhất, giáo viên diễn giảng khi cần kết luận, tổng kết các vấn đề liên quan đến bài học. Thứ hai, giáo viên diễn giảng khi cần LÀM MẪU KĨ NĂNG, lúc này sự diễn giảng sẽ kết hợp với kĩ thuật nói to suy nghĩ (think- aloud) và phương pháp làm mẫu. Như vậy, với những chỗ cần bổ sung thêm, hoặc tự HS không khái quát lên được, giáo viên có thể diễn giảng.

Khi mình làm luận văn về "tinh thần sư phạm nữ quyền" (feminist pedagogy), có một khái niệm mà mình rất tâm đắc đó là: cộng đồng học thuật. Khái niệm này hình dung lớp học không phải là một sự phân tầng quyền lực nơi giáo viên có quyền, HS chịu sự chi phối, mà lớp học là một "cộng đồng học thuật" nơi mọi người đều được trao quyền như nhau để đóng góp giá trị tri thức cho cộng đồng đó. Trong cộng đồng học thuật, "quyền lực" không phải là ai thống trị ai, mà là giá trị đóng góp về tri thức của bạn cho cộng đồng. Như vậy, đó là "quyền lực" từ bên trong, do mỗi người tự nhận thức và chủ động nắm lấy. Trong một cộng đồng học thuật như vậy, không một cá nhân nào (dù là học sinh hay giáo viên) đứng trên hay đứng ngoài cộng đồng, mà tất cả đều ở trong cộng đồng và thông qua hoạt động của mình để xây dựng thành quả của trí tuệ tập thể.

Như vậy, trong một lớp học được hình dung như một cộng đồng học thuật, giáo viên không phải người độc tôn chân lí và diễn giảng để rót tri thức cho học sinh (coi học sinh như một cái bình rỗng thụ động). Mà giáo viên sẽ chia sẻ tri thức dưới tư cách một thành viên có kinh nghiệm. Với việc dạy kĩ năng đọc hiểu văn bản, giáo viên là một người đọc có kinh nghiệm hơn, đang làm mẫu, hướng dẫn HS, do đó, nội dung diễn giảng của GV có thể xem là một ý kiến có giá trị để đóng góp cho cộng đồng học thuật, đáng để tham khảo, nhưng nó cũng ngang hàng, bình đẳng với ý kiến của các HS khác, và khuyến khích HS nêu lên ý kiến, quan điểm của mình. Tương tự như vậy, nếu ý kiến của HS hay, có giá trị, GV cũng có thể ghi lên bảng hoặc thống nhất thành kết luận chung của lớp, như một cách ghi nhận đóng góp của thành viên với cộng đồng học thuật.

Cho nên chốt lại, mình vẫn cho rằng lời giảng của giáo viên là một phương tiện dạy học vô cùng trực quan và cần thiết, nhưng quan trọng là cách giáo viên hình dung về mô hình lớp học, về tương quan giữa giáo viên và học sinh, về cách giảng và cách chốt ý, và BẢN CHẤT VẤN ĐỀ vẫn luôn là biết rõ mình đang dạy cái gì và dạy để làm gì, tức là bám sát các yêu cầu cần đạt.

T.L.D

Đăng nhận xét