Search Suggest

[BÀI VIẾT] CĂN CƯỚC VĂN CHƯƠNG CỦA NHÀ VĂN...

🌿Đề bài: Có ý kiến
cho rằng sáng tạo ngôn từ là sáng tạo vĩnh cửu, tạo nên căn cước văn chương của
nhà văn. Thế nhưng, nhà văn không bao giờ có thể thoát ly hoàn toàn khỏi ngôn
ngữ dân tộc mình, ngay cả khi nhà văn sáng tạo ra một lối viết mới mẻ.



Bằng kiến thức văn
học của mình, anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của bản thân về ý kiến trên.


BÀI LÀM



Một
nhà thơ đầy tài năng như Chế Lan Viên cũng phải đôi lần trăn trở "Nghĩ về
nghề, nghĩ về thơ, nghĩ...":



“Mỗi
câu thơ là một lần lặn vào trang giấy

Lặn vào cuộc đời

Rồi lại ngoi lên"



Nghệ thuật là lĩnh vực của
tình cảm thẩm mĩ, đó là một quá trình lao động khổ hạnh và giao lao. Cái thực
cái tình như hai nguồn sóng giao thoa để đem lòng cộng hưởng lên trái tim người
viết, người nghe, người đọc. Và để làm được sứ mệnh đó, văn chương, không thể
thiếu ngôn từ. Sáng tạo ngôn từ là sáng tạo tài năng, phẩm cách người văn nhân
nghệ sĩ. Và bao giờ sự sáng tạo ấy cũng in bóng thời đại. Cho nên mới có nhận định
rằng: “Sáng tạo ngôn từ là sáng tạo vĩnh cửu, tạo nên căn cước văn chương của
nhà văn. Thế nhưng, nhà văn không bao giờ có thể thoát ly hoàn toàn khỏi ngôn
ngữ dân tộc mình, ngay cả khi nhà văn sáng tạo ra một lối viết mới mẻ”.



Nói
về sự sáng tạo ngôn từ, “sáng tạo ngôn từ” là hành động sáng tạo có tính chất
“vĩnh cửu”, diễn ra không ngừng. Hay sáng tạo ra một sản phẩm vô hình mang tính
vĩnh cữu. Sáng tạo ngôn từ không phải là của một người mà là của tập thể, người
sau nối tiếp người trước. Đây là một đòi hỏi, một quy luật tất yếu của văn
chương. Sự sáng tạo ngôn từ luôn mang một căn cước, “căn cước văn chương” là một
mã số riêng, cách sử dụng từ ngữ mang chất riêng của nhà văn. Là căn cước thừa
nhận, nhận dạng nhà văn, khẳng định tiếng nói và vị trí nhà văn trên bản đồ văn
học (identity: căn tính, bản sắc). Chính vì ngôn từ mang căn tính nên đấy thuộc
về ngôn ngữ dân tộc, cội nguồn sinh ra nhà văn và phong cách nghệ thuật. “Ngôn
ngữ dân tộc” - tính dân tộc trong văn chương. Nhà văn lớn lên cùng với dân tộc
của mình, ảnh hưởng bởi các đặc điểm văn hóa xã hội. Dù tác giả đi đâu hay sáng
tác theo ngôn ngữ nào thì nhà văn cũng sẽ biểu hiện những ngôn ngữ dân tộc theo
ý thức hoặc vô thức. Do đó có thể khẳng định rằng, nhà văn “sáng tạo ngôn từ”
nhưng không bao giờ thoát li “ngôn ngữ dân tộc”, vì nghệ thuật luôn mang “căn
cước” cho dù nhà văn có cố sáng tạo điều gì mới mẻ.




sao nói rằng, “sáng tạo ngôn từ là sáng tạo vĩnh cửu, tạo nên căn cước văn
chương của nhà văn”? Trước hết, sự vĩnh cửu của sáng tạo ngôn từ gắn liền với sự
trường tồn của văn chương. Một khi nghệ thuật còn tồn tại thì sự sáng tạo vẫn
tiếp diễn. Nhà văn sống và viết, mỗi trang viết là một sự sáng tạo nghệ thuật đậm
chất thẩm mĩ và diễn ra không ngừng. Đến đây ta đặt một câu hỏi, vì sao sự sáng
tạo là vĩnh cửu và luôn mang “căn cước văn chương”? Hai yếu tố này có sự tác động
qua lại và biện chứng cùng nhau. Sự sáng tạo vĩnh cửu là bởi “mỗi trang văn đều
soi bóng thời đại mà nó ra đời”, và như Maiacopxki:



“Nhà
thơ trả chữ với giá cắt cổ

Như khai thác chất hiếm radium

Lấy một gam phải mất hàng năm lao lực

Lấy một chữ phải tốn hàng tấn quặng ngôn từ”.



Sáng tạo ngôn từ đòi hỏi
tính chọn lọc và chắt chiu từ nhà văn, đồng thời nó luôn mang dấu ấn thời đại,
cá tính nhà văn, cá tính dân tộc. Và điều này có sự biến chuyển theo dòng chảy
thời gian. Do vậy, sự sáng tạo thuộc về vĩnh cửu. Xét về khía cạnh “căn cước
văn chương”, chính vì sự sáng tạo vĩnh cửu gắn liền với tài năng, phong cách
người nghệ sĩ và cá tính dân tộc, cho nên, mỗi trang viết đều mang một nét
riêng, một bản sắc riêng. Chính nhờ căn cước văn chương mà nhà văn ghi tên mình
trên văn đàng, để độc giả nhận ra tên tuổi, tài năng, trái tim nhà văn trên bản
đồ văn học. “Căn cước văn chương” được biểu hiện trên cả hai khía cạnh: nội
dung và hình thức. Đồng thời trang viết luôn in bóng thời đại với những nét
riêng trong nghệ thuật và tư tưởng đã ăn sâu vào tâm trí nhà văn. Qua đây ta đã
có thể khẳng định, sự sáng tạo ngôn từ là một sáng tạo mang tính “vĩnh cửu” và
gắn liền với “căn cước văn chương” của mỗi nhà văn.




thể thấy mỗi nhà văn đều thể hiện phong cách đậm nét trong tác phẩm của mình.
Cũng nhờ vậy mà thông qua ngôn từ ước lệ và đâu đó ẩn chứa một dự cảm về tương
lai, ta phát hiện một tâm hồn Tố Như – một đại thi hào của dân tộc Việt Nam
trong miêu tả vẻ đẹp chị em Thúy Kiều:



“Làn
thu thủy nét xuân sơn

Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”.



Tính ước lệ là một đặc
trưng quan trọng của văn học trung đại Việt Nam, và chính tính ước lệ trong
ngòi bút cùng những ẩn dụ sâu sắc trong tình, trong cảnh đã tạo nên chất “vĩnh
cửu” cho “căn cước văn chương” đại thi hào. Vẻ đẹp của Kiều được thi nhân miêu
tả bằng tất cả từ ngữ, hình ảnh đẹp nhất, thi vị nhất của trần gian. Chính nhờ
tài năng ngôn từ cao siêu mà Nguyễn Du mới sáng tạo được một hình ảnh đẹp và
thơ đến vậy khi chỉ vẻn vẹn trong một câu thơ lục bát. Đôi mắt long lanh như suối
thu trong trẻo, đôi mày liễu cong tình tứ như ngọn núi mùa xuân. Vẻ đẹp ấy kiêu
sa đến mức thiên nhiên còn phải ghen tuông vì thua kém. Nhưng đẹp là thế, Nguyễn
Du vẫn ẩn ý trong ngôn từ là một nỗi “ghen”, “hờn” và sẽ trút thù lên tương lai
của tấm thân đoạn trường. Tài năng này, chỉ Nguyễn Du mới có. Bởi thế mà chỉ
qua hai dòng thơ, ta đã bắt gặp một “căn cước” Nguyễn Du trong nghệ thuật sáng
tạo ngôn ngữ.




sao khi đã có sự sáng tạo ngôn từ, nhà văn vẫn “không bao giờ có thể thoát ly
hoàn toàn khỏi ngôn ngữ dân tộc mình, ngay cả khi nhà văn sáng tạo ra một lối
viết mới mẻ”? Sự lí giải ở trên đã một phần giúp chúng ta trả lời câu hỏi này.
“Căn cước văn chương” không chỉ mang màu sắc cá tính mà còn dậm màu sắc dân tộc
và thời đại của nhà văn. Bất kì ai dù có trở thành nhà văn hay không, cá tính
dân tộc đều được hình thành một cách vô thức từ khi họ còn nằm trong bụng mẹ và
cả khi ra đời, trong quá trình trưởng thành và già đi. Sự tác động vô thức của
thời đại ăn sâu vào tâm trí nhà văn làm nên phong cách trong ngôn ngữ, tất yếu,
ngôn ngữ sẽ mang dấu ấn thời đại, dân tộc mà nhà văn đang sống. Ngoài ra, nhà
văn sáng tác còn dành cho người đọc dân tộc. Văn chương không chỉ là để cho tất
cả mọi người, mỗi nhà văn đều mong muốn người đọc dân tộc sẽ đón nhận những đứa
con tinh thần của mình và ngôn ngữ dân tộc là nền tảng dễ dàng truyền đạt tư tưởng
vào đối tượng người đọc. Cho dù nhà văn có cố sáng tạo ra lối viết mới, nhưng sự
sáng tạo luôn gắn liền với cội nguồn dân tộc vì sự sáng tạo luôn đòi hỏi một nền
tảng nhất định. Do vậy mà dù có cố sáng tạo thế nào, nhà văn vẫn gắn liền với
ngôn ngữ dân tộc.



Ta
tìm thấy sự lí giải trong cách hành văn Xuân Diệu, trong ý tình sóng biển đã thấy
một mầm sáng tạo, nhưng là sự sáng tạo gắn liền với ngôn từ dân tộc:



“Anh
không xứng là biển xanh

Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng

Bờ cát dài phẳng lặng

Soi ánh nắng pha lê”.



Ta biết rằng với ông
hoàng thơ tình Xuân Diệu, sự sáng tạo ngôn từ mang màu sắc tây học là điều
không thể thiếu. Nhưng dù nhà thơ có Tây hóa, thì bài thơ anh cũng viết để người
đọc dân tộc đánh giá và chiêm ngưỡng. Xuân Diệu là một nhà thơ Việt Nam, vì vậy
ông không thể làm một bài thơ hoàn toàn bằng tiếng Anh, tiếng Pháp. Nhà thơ phải
dùng ngôn ngữ dân tộc để sáng tác và chất tây học nằm ở tình trong ảnh. Đấy là
một ngôn từ rất mới “ánh nắng pha lê”. Ánh nắng pha lê là như thế nào? Đó là
ánh nắng lấp lánh trong trẻo trên đầu ngọn sóng. Một hồn yêu bộc trực như Xuân
Diệu khó mà ẩn ý tình trong ngôn từ ước lệ như thời trung cổ, Xuân Diệu luôn bộc
bạch một cách tự nhiên. Dù Tây hóa, nhưng ngôn từ dân tộc vẫn ăn sâu vào tâm
trí tác giả, và Xuân Diệu cũng mượn thiên nhiên để gửi gắm ý tình, đó là cát trắng
– biển xanh. Như vậy thì dù nhà văn có sự sáng tạo thật độc đáo, mới mẻ, bao giờ
“căn cước văn chương” luôn gắn liền với ngôn ngữ dân tộc là thế.




thế nào là lối viết mới nhưng vẫn gắn liền với “căn cước văn chương”? Lối viết
mới gắn với “căn cước văn chương” là lối viết xuất hiện trong suốt tiến trình
văn học. Sự sáng tạo là yếu tố không thể thiếu của văn học, đó đã là một định
lí, một quy luật tất yếu, là yếu tố quan trọng để văn học tồn tại đến ngày nay.
Một nhà văn tài năng phải là một nhà văn biết sáng tạo không ngừng về cả nội
dung lẫn hình thức. Như Hoài Thanh nhận định: “Nhà văn không có phép thần thông
vượt ra ngoài thế giới này, nhưng thế giới trong mắt nhà văn phải có màu sắc
riêng”. Tuy nhiên văn học nào cũng mang tính dân tộc rõ nét, dù sáng tạo. Từ nền
văn học trung đại đã thấy, sự ra đời của chữ Nôm xuất phát từ chữ Hán. Trong
văn học hiện đại, sự khai phá ngòi bút bắt đầu nhưng tính dân tộc vẫn rõ. Như
văn học hiện đại vẫn có tính dân tộc ở ngôn từ dễ hiểu, đối tượng bình dân, đề
tài viết về người nông dân... Văn học đương đại tiệm cận tính quốc tế, thế
nhưng ngôn từ vẫn ảnh hưởng tính dân tộc như dùng từ Hán Việt... Ta tìm thấy sự
chứng minh trong tính phê bình liên văn bản. Mọi văn bản đều là liên văn bản đối
với văn bản khác. Nhưng không thể hiểu tính liên văn bản này theo kiểu là một
văn bản có nguồn gốc nào đó. Mọi sự tìm kiếm về “cội nguồn” và “ảnh hưởng” là sự
phù hợp với huyền thoại, về quan hệ huyết thống của tác phẩm thì lại được tạo
nên từ những “trích đoạn vô danh” không thể nắm bắt, nhưng đâu đó nhà văn đã được
nghe, được đọc. Như người Kinh có thói quen sợ biển, sợ sông. Từ đó các tác phẩm
với hình ảnh sông, bể phần lớn mang màu sắc tiêu cực. Xuất phát từ truyền thuyết
Sơn Tinh - Thủy Tinh, dã tràng se cát biển Đông, Vũ Nương nhảy sông tự vẫn… mà
hình ảnh sông biển dường như mang màu u buồn, tăm tối và đầy rẫy hiểm nguy
trong đôi mắt đối tượng tiếp nhận. Sự sáng tạo nhưng vẫn mang “căn cước văn
chương” là thế.



Trong
ý thơ Lê Đạt, ta tìm thấy tính dân tộc trong “căn cước văn chương” rất sáng tạo
của ngôn từ nhà văn:



“Mưa
mấy mùa mây mấy độ thu”.



Tôi chỉ chọn mỗi một dòng
thơ này trong “bóng chữ”, nhưng chỉ một dòng thơ, Lê Đạt vẫn thể hiện rõ nét
tài phu chữ của mình. Ở câu thơ này, những chữ có phụ âm đầu là “m”, được lặp lại
tới năm lần, chiếm tới 5/7 chữ trên cả câu. Giống như âm thanh của nhưng người
đang mong mỏi, mơ mộng; rồi rơi vào trạng thái mộng mị, mơ màng; trong một tình
cảnh bị mất mát, mỏi mòn; với một cảm giác vô định tăm tối: mênh mênh, mang
mang, mù mịt,… Đấy là nghệ thuật chơi chữ rất tài tình mà xưa kia hay bắt gặp.
Tài năng ngôn từ vừa sáng tạo, vừa “dân tộc” của Lê Đạt còn được thể hiện rõ
nét trong cách nhà thơ dùng “độ thu”. Độ thu chứ không phải là ngày thu, tháng
thu, mùa thu. Chữ độ có sức gợi rất lớn. Khi tình yêu bắt đầu: “Và chúng mình
yêu nhau, bắt đầu từ độ ấy” (Trần Hoàn); và lúc li biệt: “Từ độ em đi lập mộng
đời / Nước dòng sông cũ chảy đầy vơi”. Có vẻ chữ “độ” chứa chất được nhiều nỗi
niềm, nhiều tâm sự. Trong thơ ca phương Đông, “Thu” đã trở thành một biểu tượng
về cảnh chia li với bao hoài vọng nhớ thương sầu muộn. Trong văn chương, những
người yêu nhau đặc biệt nhạy cảm với thời điểm sang thu. Hình như độ thu là độ
yêu, độ nhớ. Mùa thu tới là mùa tang thương:



“Rặng
liễu đìu hiu đứng chịu tang

Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng”.



Chữ đầu và chữ cuối:
mưa... thu.  Mưa thu còn có thể gọi là
mưa ngâu – gợi về một chuyện tình Chàng Ngâu ả Chức đầy bi kịch. Hai vợ chồng
chỉ được gặp nhau một lần vào mùa thu. Biết bao nước mắt của họ đã tuôn mãi
thành những cơn mưa thu sầu thảm. Như vậy, tính dân tộc trong ý thơ Lê Đạt đã
được thể hiện sâu sắc trong cách nhà thơ vận dụng mùa thu. Như vậy có thể kết
luận rằng: dù sáng tạo ngôn từ, nhà văn vẫn “không bao giờ có thể thoát ly hoàn
toàn khỏi ngôn ngữ dân tộc mình, ngay cả khi nhà văn sáng tạo ra một lối viết mới
mẻ”.



Như
vậy, khi có sự sáng tạo ngôn từ, nhà văn sẽ làm nên “căn cước văn chương” vĩnh
cửu và giúp người đọc nhận diện mình. Nhưng dù thế nào, nhà văn vẫn không thể
thoát li dân tộc, một là ngôn từ của chính mình, hai là ngôn từ của dân tộc, chỉ
có thể là thế. Tuy nhiên đặt một câu hỏi, một nhà văn không có “căn cước văn
chương” thì thế nào? Một nhà văn tài năng rất cần sự sáng tạo, càng sáng tạo
càng khẳng định tài năng nghệ sĩ. Nhưng bao giờ sự sáng tạo cũng mang căn tính.
Một nhà văn không thể lặp lại mình hay người khác để tạo căn tính, nhưng sáng tạo
cũng phải có màu sắc riêng, và màu sắc riêng ấy là dấu ấn dân tộc và thời đại.
Như vậy, sự sáng tạo cùng “căn cước” mới là vĩnh cửu. Vậy một nhà văn có thể
thoát li ngôn ngữ dân tộc hay không? Có chứ, nhưng nhà văn ấy có chinh phục được
đông đảo khán giả cho tác phẩm của mình hay không thì cần xem xét lại. Một nhà
văn sau khi thoát li đứa con tinh thần, tác phẩm ấy trước hết sẽ được bạn đọc
dân tộc tiếp nhận. Nhưng nhà văn thoát li ngôn ngữ dân tộc, như vậy nhà văn đã
tự giết chính mình và tác phẩm của mình. Do đó mà có thể khẳng định nhận định
trên là hoàn toàn đúng đắn, rằng “sáng tạo ngôn từ là sáng tạo vĩnh cửu, tạo
nên căn cước văn chương của nhà văn. Thế nhưng, nhà văn không bao giờ có thể
thoát ly hoàn toàn khỏi ngôn ngữ dân tộc mình, ngay cả khi nhà văn sáng tạo ra
một lối viết mới mẻ”.



Nguyễn
Minh Châu từng ví người văn như "loài côn trùng lấy cái râu của mình để
thăm dò không khí thời đại" và với Tago, "cõi đời" ấy "hôn
lên hồn tôi bằng những đau thương và bắt tôi đáp trả lại bằng lời ca tiếng
hát". Văn chương là nguồn cộng hưởng tình yêu trên đại dương hiện thực. Để
làm được sứ mệnh ấy, nhà văn phải sáng tạo ngôn ngữ không ngừng, nhưng sự sáng
tạo chỉ là vĩnh cửu khi mang “căn cước văn chương” trong sự gắn liền với ngôn
ngữ dân tộc. Phải chăng nhờ thế mà ngọn sóng tình đời dào dạt mãi với thời
gian?




NGUYỄN HOÀNG CHÂU



HS
LỚP 12V NIÊN KHÓA 2019-2022



TRƯỜNG
THPT CHUYÊN THOẠI NGỌC HẦU, TỈNH AN GIANG

Đăng nhận xét